Thủ lĩnh đảng Bảo thủ trở thành tân Thủ tướng Anh
(Dân trí) - Thủ lĩnh đảng Bảo thủ, ông David Cameron hôm qua đã tiếp nhận vị trí Thủ tướng nước Anh sau khi đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa đảng trung hữu của ông với đảng Tự do Dân chủ về thứ ba trong cuộc bầu cử vừa qua.
Thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do, ông Nick Clegg, đã được bầu làm phó Thủ tướng vài giờ sau đó. Theo Văn phòng Thủ tướng, ngoài ông Clegg, trong nội các sẽ có 4 người của đảng Dân chủ Tự do.
Phát biểu ngay sau khi có sắc lệnh của Nữ hoàng chỉ định thành lập chính phủ mới, ông Cameron nói rằng ông chấp nhận lời yêu cầu của nữ hoàng và ca ngợi “thành tích phục vụ quần chúng lâu năm” của ông Brown.
Việc từ chức bất ngờ của ông Brown là cao điểm của suốt một tuần lễ xáo trộn chính trị tại Anh, sau khi không đảng nào đạt đủ số ghế để lập chính phủ một mình.
Trong tuyên bố từ chức đọc bên ngoài dinh Thủ tướng ở phố Downing, London, ông Brown nói rằng ông thực sự yêu thích công việc đang làm và luôn luôn cố gắng phục vụ vì lợi ích của người dân Anh. Nhưng sau khi Công đảng của ông không chiếm được nhiều ghế, ông nói nghĩa vụ của Hiến pháp buộc ông phải giúp nước Anh thành lập một chính quyền mạnh và ổn định.
Ông Brown cũng từ bỏ chiếc ghế đại biểu Quốc hội. Ngay sau đó, ông đã đến điện Buckingham để trình đơn từ chức lên Nữ hoàng. Ông muốn quyết định từ bỏ chức vụ trong Công đảng của ông hiệu lực ngay tức khắc. Quyết định này đã chấm dứt 13 năm Công đảng nắm quyền tại Anh.
Hôm 10/5, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã loan báo từ chức lãnh đạo Công đảng vào lúc hai đối thủ chính trị của ông là đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do gần đạt được đồng thuận để lập chính phủ mới. Tuy nhiên, ông không nói chính xác thời điểm ông rời bỏ chức vụ này.
Đảng Bảo thủ đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh tuần trước, nhưng không đủ đa số ghế tại quốc hội để thành lập chính phủ. Công đảng về thứ hai và đảng Dân chủ Tự do đứng thứ ba.
Thủ tướng trẻ nhất của Anh
Ông có bằng đại học về chính trị, triết và kinh tế của trường Oxford. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong vai trò một nhà nghiên cứu của đảng Bảo thủ. Sau đó ông làm tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Norman Lamont.
Ông được bầu vào Quốc hội năm 2001 và trở thành thủ lĩnh đảng Bảo thủ 4 năm sau đó.
Ông lập gia đình với bà Samantha và chuẩn bị đón con thứ 3 vào tháng 9. Một người con khác đã chết vì biến chứng của liệt não và động kinh khi được 6 tuổi. Do quá trình săn sóc người con tàn tật này, ông rất thán phục trước hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhà nước và ông hứa sẽ chú ý đến những công dân bệnh tật và yếu đuối nhất của nước Anh.
Tân Thủ tướng bác bỏ những người cho rằng ông có lập trường chống Mỹ và EU, nhưng ông nói ông không bắt buộc đồng ý với chính sách của tất cả mọi người.
Trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là Thủ tướng, ông David Cameron nói rằng đất nước đang đối mặt với những vấn đề sâu rộng và cấp bách. Nhưng ông nói những ngày tốt đẹp nhất của nước Anh đang ở phía trước, và ông hứa hẹn xây dựng một xã hội có trách nhiệm hơn, trong đó tự do và công bằng được coi trọng.
Ông cũng khẳng định sẽ thành lập chính phủ liên minh đầu tiên của Anh kể từ năm 1945.
Ông Obama là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông Cameron
Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại quan hệ thân thiết giữa Mỹ và Anh. “Tôi khẳng định một lần nữa cam kết chắc chắn của cá nhân tôi với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta – một mối quan hệ đã trải qua bao thế hệ và qua nhiều đảng cầm quyền, rất quan trọng đối với an ninh và ổn định của hai nước cũng như cả thế giới”.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Cameron cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ-Anh cũng thảo luận về tình hình Afghanistan, tiến trình hòa bình Trung Đông và vấn đề Iran. Cơ hội đầu tiên để hai nhà lãnh đạo này gặp nhau sẽ là vào tháng 6, khi Canada đăng cai các hội nghị thượng đỉnh G8 và G20 ở Toronto.
Chiều qua, ông Obama cũng đã điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và một loạt lãnh đạo các nước khác, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Australia Kevin Rudd.
Tân thủ tướng Anh đã nhận được những lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Canada Stephen Harper, Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Thủ tướng New Zealand John Key...