1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Anh chào đón “kép” mới trong chính phủ

(Dân trí) - Ngày 12/5, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, số 10 Phố Downing của Anh mở cửa cho một chính phủ liên minh, khi “cặp đôi” từng là đối thủ Cameron - Clegg cam kết bỏ qua những khác biệt sâu sắc, đối phó với mức thâm thủng ngân sách khổng lồ.



Anh chào đón “kép” mới trong chính phủ - 1
Cái bắt tay liên minh đầu tiên ở số 10 Phố Downing kể từ Thế chiến II, giữa Cameron (trái) và Clegg.
 

Bằng những cái bắt tay, những nụ cười, và những lời tán ngẫu, tân Thủ tướng David Cameron, thủ lĩnh đảng Bảo thủ, và người “phó” của ông, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg đã chứng tỏ họ là một khối trong khu vườn ngập nắng ở Phố Downing. “Đây là chính trị kiểu mới”, Clegg cho biết.

 

Tân thủ tướng Anh Cameron và đối tác trung tả của ông đã cam kết thực hiện những cải cách sâu rộng đối với nghị viện, với luật tự do dân sự, và mối quan hệ với châu Âu trong khi họ đùa rằng họ đã “bỏ phí” những năm tháng trước kia để “gầm gừ” nhau.

 

Thủ tướng Cameron thừa nhận rằng ông đã từng nói với một người phỏng vấn mình rằng chuyện cười hay nhất ông được nghe là “Nick Clegg”.

 

“Ngài đã nói vậy sao?”, Clegg hỏi, và giả vờ rời khỏi bục phát biểu trước khi ông Cameron hài hước năn nỉ ông trở lại.

 

Những đối thủ một thời đã liên kết với nhau sau khi không đảng nào giành được đa số trong cuộc bầu cử vào tuần trước ở Anh, khiến quốc hội lần đầu tiên kể từ năm 1974 ở trong tìn trạng bị “treo”. Đảng Bảo thủ giành được nhiều phiếu nhất, nhưng cần liên minh với đảng Dân chủ Tự do để đánh bại Công đảng sau 13 năm cầm quyền.
 
 
Anh chào đón “kép” mới trong chính phủ - 2
Chính trị kiểu mới ở Anh?
 

Cử tri Anh đã không hoàn toàn tin tưởng ủy thác cho một đảng nào và nhiều người đã “nổi giận” sau vụ bê bối chi tiêu vào năm ngoái, khi nhiều nghị sỹ bị phát hiện đòi chi tiền cho mọi thứ, từ sách báo khiêu dâm cho đến đèn đóm.

 

Ông Clegg và ông Cameron cam kết mối liên kết của họ sẽ bền chặt, để họ có thể đem lại những thay đổi mà cử tri mong muốn. “Cho đến trước hôm nay, chúng tôi là những đối thủ, nhưng giờ chúng tôi là đồng nghiệp”, ông Clegg cho biết.

 

Trong chính phủ liên minh mới này, ông Clegg sẽ chịu trách nhiệm đối với những cải cách chính trị, trong đó có việc xem xét thay đổi đối với nhiệm kỳ nghị viện. Và khi ông Cameron có việc phải đi công cán, ông Clegg sẽ chịu trách nhiệm, với nhiệm vụ như thay Thủ tướng trả lời chất vấn hàng tuần.

 

Đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do chia rẽ về nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ với châu Âu, cải cách bầu cử, nhưng hai bên đã có một số nhượng bộ khi thành lập một liên minh. Đảng Bảo thủ nhất trí sẽ để người dân bỏ phiếu về kế hoạch thay đổi hệ thống bầu cử, được dự đoán có thể mang lại nhiều lợi ích cho đảng Dân chủ Tự do, trong khi Dân chủ Tự do đồng ý với Bảo thủ về vấn đề Liên minh châu Âu.

 

Ông Cameron và Clegg cam kết xây dựng nhiệm kỳ cố định 5 năm trong nghị viện, thay thế cho hệ thống hiện nay là Thủ tướng quyết định ngày; cam kết giữ cho Anh “đứng ngoài” đồng tiền chung châu Âu euro cho tới ít nhất là năm 2015; nhất trí cắt giảm ngay 6 triệu bảng Anh chi tiêu cho chính phủ và cam kết sẽ bầu cử các ghế trong Thượng viện, thay vì chỉ định như hiện nay.

 

Tân thủ tướng Cameron cũng cho biết chính phủ sẽ ngay lập tức bắt tay vào đối phó với khoản thâm thủng ngân sách kỷ lục 153 tỷ bảng Anh (236 tỷ USD) và thành lập một ủy ban an ninh quốc gia mới trong cuộc họp đầu tiên để tập trung vào cuộc chiến ở Afghanistan. Mặc dù lo ngại về số người chết đang gia tăng, cả ông Cameron và Clegg đều ủng hộ sứ mệnh hiện tại của Anh tại Afghanistan.

 

Trong khi đó, Công đảng, đang phải làm quen với cái “ghế” đảng đối lập, vốn xa lạ với họ suốt 13 năm qua. Với cựu Thủ tướng Brown cũng từ chức là chủ tịch Công đảng, cựu Ngoại trưởng David Miliband tuyên bố sẽ chạy đua vào vị trí này.

 

Phan Anh

Theo AP

 

Dòng sự kiện: Bầu cử Anh 2010