1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thông điệp Mỹ gửi Triều Tiên sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

(Dân trí) - Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Washington cũng nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng Mỹ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận thiếu sót trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa 2 nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ngày 9/5, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Triều Tiên nhằm bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện 2015 (JCPOA), hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 8/5 dường như đã gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng về quan điểm của chính quyền Mỹ hiện tại với vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trả lời báo chí sau khi ông Trump đưa ra quyết định trên, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton nói rằng thông điệp họ muốn gửi tới Triều Tiên là Mỹ muốn một “thỏa thuận thực sự”. Theo ông Bolton, quan điểm của Washington là Triều Tiên và Hàn Quốc có thể quay lại thực hiện Tuyên bố phi hạt nhân hóa Hàn-Triều năm 1992, loại bỏ toàn bộ chu trình sản xuất hạt nhân từ làm giàu uranium tới tái chế plutonium.

Ngoài ra ông Bolton còn chỉ ra một số những điểm mà ông gọi là sự thiếu sót trong JCPOA 2015 và cho biết Tổng thống Trump rất lạc quan về việc có thể giải quyết các vấn đề trên khi thương lượng với Triều Tiên.

Bình luận về động thái trên, tiến sĩ Sue Mi Terry, cựu quan chức CIA, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng quyết định của ông Trump có thể sẽ hiệu quả và Triều Tiên có thể ý thức được rằng Mỹ sẽ không chấp nhận những thỏa thuận “hời hợt”.

Nhưng quyết định của ông Trump cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ phía các cựu quan chức từ chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken, người đã hỗ trợ việc đàm phán JCPOA năm 2015, đánh giá động thái của ông Trump khiến việc đàm phán với Triều Tiên trở nên khó khăn hơn.

“Mỹ từ bỏ một thỏa thuận mà Iran đang tuân thủ theo, vậy làm sao Triều Tiên có thể tin những điều mà ông Trump nói khi 2 bên bắt đầu đàm phán? Vì sao ông Kim có thể tin những điều chúng ta viết trên giấy nhưng cũng có thể xé bỏ chúng đi?”, ông Blinken nói, nhấn mạnh rằng khi ông Trump coi thỏa thuận hạt nhân với Iran là “thứ bỏ đi” thì ông nên thật sự có một thỏa thuận tốt hơn với Triều Tiên. Ông Blinken tỏ ra khá bi quan về khả năng này.

Cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng quyết định của ông Trump có thể dẫn tới những khả năng xấu hơn, từ việc Iran sẽ tiếp tục phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân, cho tới viễn cảnh một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Đây cũng là một trong số ít lần ông Obama lên tiếng về công việc của người kế nhiệm.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (P5+1) gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Theo thỏa thuận này, Iran cam kết sẽ từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, đổi lại, phương Tây sẽ dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt với Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 chính thức tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, gọi đây là thỏa thuận "một chiều", "khủng khiếp" và "lẽ ra không bao giờ tồn tại".

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm