1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thời tàn của các chỉ huy khủng bố thế hệ mới

Họ là những người đàn ông cực đoan và tàn nhẫn ở độ tuổi 20 và 30, hưởng ứng nhiệt thành lời kêu gọi thánh chiến của Osama bin Laden năm 2004 và được coi như thế hệ tiếp theo của đại nạn khủng bố trên toàn cầu.

Nhưng chỉ 2 năm sau, 40% trong số đó đã bị tiêu diệt vì trở thành mục tiêu trong các cuộc truy quét trên khắp thế giới. Một trong những tổn thất lớn và mới nhất của nhóm khủng bố thuộc "thế hệ 6X và 7X" này là sự kiện chỉ huy chi nhánh Al-Qaeda tại Iraq Abu Musab al-Zarqawi bị hạ sát.

 

Các cuộc truy lùng ráo riết khắp châu Á, châu Âu và châu Phi đang đẩy những kẻ còn lại lui vào hoạt động sâu trong bóng tối. Chúng tìm cách chạy đến đất nước Somalia đang loạn lạc vì chiến tranh hay những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp ở miền nam Philippines để náu mình.

 

Mặc dù vậy, Al-Qaeda vẫn không ngừng tuyển mộ thêm những tay "có máu mặt" để phục vụ cho chiến dịch khủng bố vũ trang. Nhưng các nhà phân tích tin rằng, những kẻ mới gia nhập mạng lưới không có được sự kết nối chặt chẽ như những "tiền bối" của chúng. Đồng thời chúng cũng ít được huấn luyện và điều kiện trang bị mỏng hơn.

 

Một phân tích của AP năm 2004 đã nêu ra danh sách hành chục nghi phạm khủng bố trẻ tuổi, được coi là đang đóng vai trò chỉ huy. Bàn tay của "lớp chiến binh 2004" này đã nhúng máu trong các vụ tấn công tàn bạo Bali cho tới Baghdad và từ Casablanca (Marốc) tới Madrid (Tây Ban Nha).

 

Trong đó trùm khủng bố gốc Jordan Abu Musab al-Zarqawi đứng đầu danh sách năm 2004 và được coi như mối đe doạ lớn nhất, chỉ xếp sau Osama bin Laden cùng phó tướng Ayman al-Zawahri của ông ta.

 

Nhưng hai quả bom loại 230kg do không quân Mỹ ném xuống một ngôi nhà gần thành phố Baquba, phía đông bắc Baghdad, hôm thứ tư đã đánh dấu chấm hết cho cho chuỗi tội ác của Zarqawi. Một trong những hành vi gây sốc của chỉ huy chiến binh này là cho quay cảnh chặt đầu man rợ các con tin phương tây và đưa lên Internet.

 

Tuy vậy, cựu bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ Tom Ridge hôm qua nhắc nhở, chính phủ mới chỉ có thể giảm nguy cơ khủng bố chứ chưa thể loại trừ hoàn toàn được nó. "Sẽ có một kẻ thay thế Osama bin Laden và thật không may, Zarqawi cũng vậy. Đồng thời cũng sẽ có tổ chức thay thế Al-Qaeda", ông nhận định.

 

Người từng một thời lãnh đạo cơ quan an ninh Mỹ đánh giá thêm, còn lâu mới có thể biết rõ liệu kẻ thay Zarqawi sẽ có được mối liên hệ, nguồn lực hay khả năng duy trì hiệu quả trong việc điều hành lực lượng nổi dậy Iraq như trước đây Zarqawi đã làm được hay không.

 

Thời tàn của các chỉ huy khủng bố thế hệ mới - 1
 

Chỉ huy chiến binh Bắc Phi

Nabil Sahaoui (Esmas).

Ngoài trường hợp Zarqawi, xét trên bình diện toàn cầu thì các lực lượng an ninh cũng có những thành công đáng kể. Có 4 trong số 12 chỉ huy chiến binh trẻ tuổi hàng đầu trong danh sách năm 2004 đều lãnh một kết cục thê thảm. Chúng bị loại trừ trong các vụ đọ súng ở Ảrập Xêút, oanh kích tại Iraq hay truy quét khủng bố tại Algeria.

 

7 tên còn lại trong danh sách hiện chưa hề hấn gì nhưng đang phải lao tâm khổ tứ tìm cách ẩn náu thật kín. Không nghi phạm nào trong số này có khả năng tổ chức thành công các vụ tấn công quy mô lớn như Zarqawi đã làm, từ giữa năm 2004 đến nay.

 

Nhưng các chuyên gia chống khủng bố lo ngại, những tay cộm cán khác đang nổi lên với mức độ nguy hiểm tương được hoặc thậm chí còn hơn "thế hệ 2004". Do đó, cuộc chiến toàn cầu chống phong trào chiến binh Hồi giáo còn lâu mới giành thắng lợi.

 

Cùng chung số phận với Zarqawi trong "thế hệ chỉ huy khủng bố 2004" còn có Nabil Sahraoui, kẻ nắm quyền lãnh đạo nhóm chiến binh Salafist ở Bắc Phi 2 năm trước và tuyên bố nhập vào mạng Al-Qaeda. Nhưng Sahraoui, khoảng 30 tuổi, chưa kịp làm "đầu lĩnh" được bao lâu thì đã bị binh sĩ Algeria bắn hạ ngay trong năm 2004.

 

Bên cạnh đó, Habib Akdas, cũng khoảng 30 tuổi, bị buộc tội là đầu sỏ nhóm thực hiện chuỗi các vụ đánh bom đẫm máu ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003 cũng đa bị tiêu diệt. Một số thành viên khác trong "thế hệ 2004" thì chết trong các vụ không kích của Mỹ ở thành phố Fallujah, Iraq.

 

Có 2 nghi phạm trong danh sách năm 2004 bị chết dưới tay các lực lượng an ninh Ảrập Xêút. Đó là Abdulaziz al-Moqrin, 30 tuổi, kẻ đã vươn từ "đầu gấu" trong trường trung học trở thành một lãnh đạo của chi nhánh Al-Qaeda tại vương quốc dầu mỏ này. Moqrin bị bao vây và bắn chết tại thủ đô Riyadh năm 2004, ngay sau khi chủ mưu vụ bắt cóc và chặt đầu kỹ sư Mỹ Paul M. Johnson.

 

Năm 2005, an ninh Ảrập Xêút còn bắn hạ Abdelkrim Mejjati, gốc Marốc khoảng ngoài 30 tuổi, có vai trò hàng đầu trong vụ đánh bom Casablanca tháng 5/2003, làm hơn 30 người chết. Mejjati từng học trong trường Pháp ở Marốc, nhưng sau đó tới Ảrập Xêút và trở thành một trong những kẻ bị truy lùng gắt gao nhất tại đây.

 

Thời tàn của các chỉ huy khủng bố thế hệ mới - 2
 

Kết cục của Abdulaziz al-Moqrin

tại Ảrập Xêút (Nettavisen).

Đó là những những cái tên nổi bật đã bị tiêu diệt, còn những kẻ chưa bị sờ tới thì đang phải chịu một cuộc sống không dễ dàng gì vì luôn bị các lực lượng an ninh truy đuổi.

 

Chúng gồm Amer el-Azizi, kẻ tuyển mộ người cho Al-Qaeda tại Tây Ban Nha hay Saad Houssaini, đồng phạm tổ chức vụ khủng bố Casablanca.

 

Ngoài ra còn có Dulmatin, nghi phạm chính trong vụ đánh bom Bali năm 2002 và Khadaffy Janjalani, chỉ huy nhóm cực đoan Abu Sayyaf. Chúng đang lẩn trốn trên đảo Jolo của Philippines cùng với khoảng 70 đến 80 tay súng. Quân đội nước này tin rằng, chúng đang sắp cạn kiệt đạn dược và vũ khí.

 

Zulkarnaen, một người Indonesia được coi là chỉ huy các chiến dịch của mạng khủng bố khu vực Đông Nam Á Jemaah Islamiyah, thì có nhiều khả năng đang ẩn náu trên đảo Java. Một số nghi phạm khác tìm cách mò tới thủ đô Mogadishu của Somali để lợi dụng tình trạng hỗn loạn tại đây.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/AP

Dòng sự kiện: Al-Zarqawi bị tiêu diệt