1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đời ngắn ngủi và dữ dội của al-Zarqawi (3)

Tháng 12/1999, al-Zarqawi vượt biên giới Pakistan vào Afghanistan. Cuối tháng đó, y và Bin Laden gặp nhau tại Nhà khách Chính phủ ở Kandahar. Thành phố này trên thực tế mới chính là thủ đô của Afghanistan dưới chính quyền Taliban.

Gặp gỡ Bin Laden

 

Al-Zarqawi đến Afghanistan lần này mang một lá thư giới thiệu của Abu Kutaiba al-Urduni, một trong những thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất của Jordan trong thời kỳ thánh chiến ở Afghanistan. Al-Urduni từng là trợ thủ đắc lực của Sheik Abdullah Azzam. Ông này là một nhân vật chủ chốt trong việc tuyển dụng những người tình nguyện tham gia thánh chiến ở khắp các nước Hồi giáo. Lá thư của al- Urduni là hậu thuẫn đầu tiên mà al-Zarqawi có được từ một nhân vật có tầm cỡ như vậy. Và (quan trọng hơn cả) lá thư đó gửi cho Osama Bin Laden.

 

Không ưa nhau ngay từ đầu

 

Một cựu nhân viên tình báo Israel cho tôi biết trong cuộc gặp nói trên, al- Zarqawi ngồi đối diện với Bin Laden trong phòng khách. Thoạt đầu, cả hai đều tỏ ra gượng gạo. Theo những mô tả khác nhau về cuộc họp đó, Bin Laden không tin và không ưa al-Zarqawi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bin Laden nghi ngờ trong nhóm tù nhân Jordan, trong đó có al-Zarqawi được ân xá hồi đầu năm (1999), có đặc tình của tình báo Jordan. Một trường hợp tương tự đã xảy ra trước đó không lâu khi một nhóm thánh chiến Jordan đến Afghanistan.

 

Bin Laden cũng không thích thái độ nghênh ngang và hình xăm màu xanh lá cây trên cánh tay trái của al-Zarqawi. Dưới mắt Bin Laden, hình xăm này là một biểu hiện phản Hồi giáo. Al-Zarqawi đã gây một ấn tượng không tốt đối với Bin Laden: tham vọng điên cuồng, tính tình lỗ mãng, hung hãn. Một điều dễ gây chia rẽ khác – và thực tế đúng như vậy - giữa hai người là mối thâm thù tín đồ Hồi giáo phái Shiite của al-Zarqawi. Mẹ của Bin Laden là một người thuộc phái Shiite.

 

Ngay trước mặt nhà lãnh đạo huyền thoại của tổ chức al-Qaeda, al-Zarqawi cũng không từ bỏ quan điểm của mình. “Những người Shiite phải chết” - có tin al-Zarqawi đã phát biểu như thế. Y cũng phản đối việc Bin Laden cung cấp chiến binh Ảrập cho Taliban để đánh lại chiến binh của Liên minh phương Bắc. Lúc đó Taliban đang cai trị Afghanistan, còn Liên minh phương Bắc được Mỹ hậu thuẫn chiếm 10% lãnh thổ Afghanistan. Al-Zarqawi dường như có tuyên bố rằng dùng người Hồi giáo đánh lại người Hồi giáo là phản - Hồi giáo. Không quen nghe những lời chỉ trích như vậy, thủ lãnh al-Qaeda đâm hoảng.

 

Nhưng trong những người thân cận của Bin Laden có một người không can thiệp vào mối quan hệ căng thẳng giữa al-Zarqawi và Bin Laden nếu không thì lịch sử phải được viết lại khác đi so với bây giờ. Người đó là Saif al- Adel, cựu đại tá quân đội Ai Cập, nay là thủ lĩnh quân sự của Bin Laden còn lúc bấy giờ là trưởng ban an ninh của al-Qaeda.

 

Kẻ thù gần

 

Trong nội bộ chiến binh Hồi giáo lúc bấy giờ có một cuộc tranh luận rất sôi nổi. Ai là mục tiêu ưu tiên của họ: kẻ thù gần (chỉ những chính thể phi-Hồi giáo của thế giới Hồi giáo) hay kẻ thù xa (chỉ Israel và Mỹ)? Al-Zarqawi ủng hộ thuyết kẻ thù gần. Trong thời gian ngồi tù cùng với thầy al-Maqdisi (vì tội tàng trữ vũ khí bất hợp pháp là 7 quả lựu đạn của al-Maqdisi giao cho al-Zarqawi lén lút đem về Jordan để mưu đồ chính sự), al-Zarqawi không chỉ muốn lật đổ chế độ quân chủ Jordan mà còn nhắm đến một khu vực rộng lớn hơn gọi là al- Sham tức Trung Cận Đông bao gồm các nước Jordan, Syria, Lebanon và Palestine.

 

Là một người Ai Cập từng âm mưu lật đổ chính quyền nước này vốn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quân đội, al-Adel thấy quan điểm của al- Zarqawi có giá trị. Sau đó, đã có một thỏa thuận trong nội bộ al-Qaeda, theo đó al-Zarqawi được cấp 5.000 USD coi như là “tiền gieo giống” để lập một trại riêng của y huấn luyện chiến binh Hồi giáo ở bên ngoài thành phố Herat thuộc miền Tây Afghanistan, gần biên giới Iran. Như thế, al-Zarqawi ở khuất mắt Bin Laden.

 

Đầu năm 2000, với một bộ sậu khoảng một chục đệ tử đến từ Peshawar và Amman, al-Zarqawi mưu đồ thành lập một đội quân có thể “xuất khẩu” đi khắp thế giới có căn cứ trong sa mạc bao quanh thành phố Herat. Hằng tháng, al-Adel đến thăm trại huấn luyện của al-Zarqawi. Mỗi lần như vậy, về nhà al-Adel dùng website của mình ca ngợi trại huấn luyện của al-Zarqawi. Số chiến binh của al- Zarqawi từ vài chục tăng lên vài trăm trong năm 2001. Vào thời điểm tháng 10 /2001, bị máy bay Mỹ oanh kích, đám quân này cùng với gia đình với số lượng ước khoảng 2.000 đến 3.000 đã di chuyển khỏi trại.

 

Tiểu vương Trung cận Đông

 

Cũng tại Herat, al-Zarqawi đã thành lập tổ chức dân quân Jund al-Sham (tức chiến binh Trung Cận Đông). Phần lớn thành phần cốt cán của tổ chức này đều là người Syria từng tham gia thánh chiến ở Afghanistan. Phần lớn trong số này là thành viên của tổ chức bất hợp pháp Huynh đệ Hồi giáo. Ban lãnh đạo của tổ chức này, “chém vè” ở các nuớc châu Âu, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyển quân cho trại Herat. Tuy nhiên việc cung cấp tài chính cho trại không rõ ràng lắm. Điều rõ nhất là al-Zarqawi có một trợ thủ đắc lực nhất tại thời điểm ấy, thậm chí được xem là người sẽ kế vị al-Zarqawi. Đó là một người Syria ở thành phố Hama có tên là Sulayman Khalid Darwish, bí danh Abu al-Ghadiyah. Mùa hè năm ngoái, tên này đã chết ở vùng biên giới Iraq-Syria.

 

Tôi đã hỏi một quan chức cao cấp trong ngành tình báo Jordan về tầm quan trọng của trại Herat. Ông ta trả lời: “Đối với Zarqawi, đó là một khúc quanh quan trọng”. Herat là xuất phát điểm của al-Zarqawi bây giờ. Lần đầu tiên y có một kế hoạch tác chiến và có trách nhiệm chỉ huy thực hiện kế hoạch đó. Và mặc dù y chưa bao giờ ăn ý với Bin Laden, y vẫn quan trọng đối với al-Qaeda. Herat là trại huấn luyện duy nhất ở Afghanistan tích cực tuyển mộ những người tình nguyện đến từ Trung Cận Đông. Al- Zarqawi là một kẻ rất tự cao tự đại và y thích bộc lộ điều ấy. Ở Herat, y tự xưng là “tiểu vương Trung Cận Đông”.

 

(Còn tiếp)

Theo Ng.Cao

Người lao động

Dòng sự kiện: Al-Zarqawi bị tiêu diệt