1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chặn tàu hải quân Anh viện trợ Ukraine tới Biển Đen

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ ngăn 2 tàu hải quân của Anh viện trợ cho Ukraine di chuyển tới khu vực Biển Đen sau khi London tuyên bố sẽ gửi các tàu này cho Kiev để đối phó Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chặn tàu hải quân Anh viện trợ Ukraine tới Biển Đen - 1

Một tàu hải quân lớp Sandown (Ảnh: Yahoo News).

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/1 cho biết họ sẽ không cho phép 2 tàu quét mìn của Anh đi qua vùng biển của mình trên đường tới Biển Đen để Ukraine sử dụng vì điều này sẽ vi phạm hiệp ước quốc tế liên quan đến việc đi qua eo biển trong thời chiến.

Tháng trước, Anh cho biết họ sẽ chuyển hai tàu quét mìn của Hải quân Hoàng gia cho Hải quân Ukraine để giúp tăng cường các hoạt động tác chiến trên biển của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO - đã thông báo cho các đồng minh rằng, họ sẽ không cho phép các tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles chừng nào cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux năm 1936, ngăn chặn việc đi lại của tàu quân sự đối với các bên tham chiến qua 2 eo biển trên. Hiệp ước có điều khoản miễn trừ với các tàu di chuyển về căn cứ.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã triển khai Công ước Montreux một cách khách quan và tỉ mỉ để ngăn chặn leo thang ở Biển Đen.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu rằng, Ankara quyết định kích hoạt Công ước Montreux và cảnh báo tất cả các nước giáp Biển Đen và không giáp Biển Đen không cho tàu chiến đi qua các tuyến đường thủy của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiệp ước ký năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm các tàu chiến sử dụng eo biển Dardanelles và Bosporus trong thời chiến, hoặc khi Ankara bị đe dọa.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chặn tàu hải quân Anh viện trợ Ukraine tới Biển Đen - 2

Hai eo biển Bosphorus và Dardanelles được xem là cửa ngõ để các tàu di chuyển từ Địa Trung Hải vào Biển Đen (Đồ họa: Al Jazeera).

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố nước này sẽ cung cấp cho Ukraine 2 tàu quét mìn trong khuôn khổ liên minh hàng hải mới. Nhóm này bao gồm cả Na Uy được lập ra nhằm mục đích giúp hải quân Kiev "có khả năng tương thích tốt hơn với NATO".

London cam kết sẽ chuyển giao 2 tàu quét mìn (MCMV) lớp Sandown từ hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh. 

Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps khi đó tuyên bố: "Những tàu quét mìn này sẽ cung cấp năng lực quan trọng cho Ukraine, giúp cứu sống nhiều người trên biển và mở ra các tuyến đường xuất khẩu quan trọng".

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh, London và Oslo hy vọng sẽ giúp Hải quân Ukraine "tương thích hơn với các đồng minh phương Tây, với NATO".

Ông Shapps nói thêm rằng liên minh hàng hải mới sẽ đưa ra thêm một số sáng kiến để đảm bảo "cam kết quân sự lâu dài trong việc hỗ trợ Ukraine".

Nga nói rằng sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây sẽ không thể thay đổi được cục diện của cuộc xung đột. Moscow cũng liên tục cảnh báo rằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine đặt các quả thủy lôi từ thời Liên Xô dọc theo bờ Biển Đen, một số trong số đó cuối cùng đã trôi nổi ở vùng biển rộng.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine