1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO họp khẩn về vụ bắn rơi máy bay

(Dân trí) - Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của các quốc gia thành viên NATO nhằm thảo luận biện pháp đối phó với vụ một trong những máy bay chiến đấu của nước này bị Syria bắn hạ.

 
Một chiếc F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự với chiếc bị bắn rơi.

Một chiếc F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự với chiếc bị bắn rơi.

Ankara đã viện dẫn Điều 4 trong hiến chương NATO, trong đó bất kỳ một quốc gia gình viên nào cũng có thể yêu cầu tổ chức các cuộc tham vấn nếu cảm thấy an ninh bị đe doạ.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho hay chiếc F-4 Phantom đang ở trong vùng không phận quốc tế thì bị bắn rơi.

Trong khi đó, phía Syria khẳng định máy bay bị bắn hạ do xâm phạm không phận nước này.

Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan có quyền ra quyết định chính trị của NATO, sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 26/6 tới để thảo luận vụ việc.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu tổ chức các cuộc tham vấn theo Điều 4 của hiến chương NATO”, bà Lungescu nói. “Theo điều 4, bất kỳ một đồng minh nào cũng có thể yêu cầu tham vấn trong trường hợp sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của họ bị đe doạ”.
 
Giới chuyên gia nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chắc chắn về sự ủng hộ mạnh nhất một khi nước này quyết định có phản ứng chính thức đối với vụ bắn rơi máy bay.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi thế nào?

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển tỉnh Latakia của Syria.
Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển tỉnh Latakia của Syria.
 
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã mất liên lạc vô tuyến với chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom lúc 11h58 trưa ngày 22/6 khi nó đang bay trên bầu trời tỉnh Hatay, khoảng 90 phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Erhac ở tỉnh Malatya, phía tây bắc đất nước.

Sau đó, quân đội Syria thông báo “một mục tiêu trên không chưa xác định” đã xâm nhập không phận Syria từ phía tây vào lúc 11h40 giờ địa phương, bay ở tầm thấp và với tốc độ cao.

Syria nói rằng theo các điều luật dành cho những tình huống như vậy, lực lượng phòng không nước này đã bắn chiếc máy bay cách bờ biển Syria khoảng 1km.

Chiếc F-4 đã bốc cháy và rơi xuống biển cách làng Om al-Tuyour khoảng 10km, ngoài khơi bờ biển tỉnh Latakia, bên trong lãnh hải Syria.

Syria cũng khẳng định không có ý định thực hiện bất kỳ hành động thù địch nào, nhấn mạnh rằng ngay sau khi quân quân phát hiện ra rằng chiếc máy bay “chưa được xác định” là của Thổ Nhĩ Kỳ, hải quân Syria đã tham gia các nỗ lực nhằm tìm kiếm 2 thành viên phi hành đoàn.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói đã biết việc phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay, vốn bị rơi trong lãnh hải Syria ở độ sâu 1.300m nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy.

Lực lượng bảo vệ bờ biển vẫn đang tìm kiếm 2 thành viên phi hành đoàn ở Địa Trung Hải, mặc dù hi vọng tìm thấy họ còn sống là rất mong manh.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một bức thư phản đối tới Syria.

Chính phủ đã cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ, kiên quyết và đúng luật đối với Syria và rằng sẽ chia sẻ mọi thông tin với công chúng.

Ngoại trưởng Davutoglu hôm qua đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ các mô tả của Syria về vụ bắn rơi chiếc F-4.

Sau các cuộc họp kéo dài với giới chức quân đội, ông Davutoglu cho hay chiếc F-4 đã đi lạc vào không phận Syria hôm 22/6 nhưng nhanh chóng rời và bị bắn hạ 15 phút sau đó.

Theo ông Davutoglu, máy bay không mang vũ khí, chỉ thực hiện một sứ mệnh huấn luyện bình thường và không do thám Syria.

Ngoại trưởng Davutoglu cho biết thêm máy bay mang biểu tượng rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ và rằng ông không đồng tình với tuyên bố của Syria nói họ không biết máy bay là của ai.

Các nước lên án vụ bắn hạ máy bay

Các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án Syria vì vụ bắn rơi máy bay.

Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Mỹ lên án hành động này là không thể chấp nhận được bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể. Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy giới chức Syria coi thường các quy chuẩn quốc tế, mạng sống, hòa bình và an ninh”.

Bà Clinton đã cam kết sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ “các nỗ lực lớn hơn của chúng ta nhằm thúc đẩy một tiến trình chuyển giao dân chủ tại Syria”.

Ngoại trưởng Anh William Hague cũng lên án việc Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là một “hành động quá đáng” và cho biết London đã sẵn sàng ủng hộ hành động mạnh mẽ của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm chống lại Damascus.

Còn Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi cho rằng việc Syria bắn rơi một chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia huấn luyện thông thường là “một hành động nghiêm trọng nữa và không thể chấp nhận được” của chính quyền Tổng thống Assad.

An Bình
Tổng hợp