1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO: Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được”

(Dân trí) - NATO đã lên án việc Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được” và bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ và tình đoàn kết” với Ankara sau các cuộc tham vấn khẩn cấp hôm qua.

 
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã đưa ra tuyên bố trên sau khi NATO có cuộc họp khẩn tại Brussels (Bỉ) để tham vấn theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của nước này hồi tuần trước.

Trong cuộc họp kéo dài hơn 1 giờ, các đại diện của 28 quốc gia thành viên NATO đã nghe đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ trình bày các thông tin liên quan tới vụ bắn rơi máy bay.

“Chúng tôi coi hành động của Syria là không thể chấp nhận được và lên án nó với những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Các đồng minh đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Rasmussen nói.

Tuy nhiên, ông Rasmussen dường như đã giảm nhẹ những lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa 2 quốc gia láng giềng. “Tôi hi vọng rằng tình hình sẽ không tiếp tục leo thang”, ông nói.

Ông Rasmussen cũng nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về Điều 5 trong hiến chương NATO, theo đó liên minh quân sự có thể trợ giúp bất kỳ một thành viên nào của khối nếu thành viên đó bị tấn công.

Ông Rasmussen còn nói rằng vụ tấn công là “một ví dụ nữa cho thấy việc giới chức Syria không tôn trọng các quy tắc quốc tế, hoà bình, an ninh và mạng sống con người”.

“Tôi cần phải nói rõ ràng an ninh của liên minh là không thể tách rời. Chúng tôi sát cánh bên Thổ Nhĩ Kỳ trên tinh thần của sự đoàn kết mạnh mẽ”, ông Rasmussen nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu tổ chức các cuộc tham vấn với các đồng minh theo Điều 4 của hiến chương NATO, vốn cho phép bất kỳ các quốc gia thành viên nào đều có quyền yêu cầu tổ chức các cuộc tham vấn nếu cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe doạ.

Kể từ khi NATO được thành lập năm 1949, đây chỉ là lần thứ 2 các cuộc tham vấn được yêu cầu theo Điều 4 của hiến chương liên minh. Lần trước, yêu cầu tham vấn cũng xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2003 trong cuộc chiến Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi các quy định giao chiến

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/6 cho biết quân đội nước này đã thay đổi đã các quy định giao chiến sau vụ Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu.

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Các quy định giao chiến của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi do vụ việc mới này”.

Bất kỳ nguy cơ nào do Syria gây ra ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị “xem là một mối đe doạ và bị coi là một mục tiêu quân sự”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Phát biểu trước các nghị sĩ, ông Erdogan cũng nói về “cơn thịnh nộ” của Thổ Nhĩ Kỳ trước quyết định bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom và miêu tả Syria là “một “mối đe doạ tức thời và hiển hiện”.

Theo ông Erdogan, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình vi phạm không phận Syria trong thời gian ngắn và nhấn mạnh rằng nó bay một mình, không mang vũ khí khi bị Syria bắn hạ mà không có bất kỳ cảnh báo nào.

“Chúng tôi không nhận được cảnh báo nào từ phía Syria. Họ đã hành động mà không hề cảnh báo. Đó là một hành động thù địch”, ông nói.

Thủ tướng Erdogan cũng lưu ý rằng không phận Thổ Nhĩ Kỳ đã bị vi phạm 114 lần bởi các máy bay quân sự của các nước khác nhau, trong đó có Syria, kể từ đầu năm nay.

“Các trực thăng Syria đã vi phạm không phận của chúng tôi 5 lần. Đó đều là các vụ vi phạm xảy ra trong thời gian ngắn và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những cảnh báo cần thiết”, ông Erdogan nói.

Thủ tướng Erdogan tuyên bố chính phủ của ông sẽ đáp trả “với sự kiên quyết” và thực hiện điều mà ông gọi là “những bước đi cần thiết sau khi thống nhất về thời gian, địa điểm và phương pháp trả đũa”.

An Bình
Theo AFP