Thêm đồng minh cắt quan hệ với Đài Loan, công nhận Một Trung Quốc
(Dân trí) - Nicaragua thông báo cắt quan hệ ngoại giao lâu năm với Đài Loan và công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc.
"Chính phủ Cộng hòa Nicaragua tuyên bố Nicaragua công nhận chỉ có một Trung Quốc tồn tại trên thế giới", Ngoại trưởng Nicaragua Denis Moncada cho biết trong tuyên bố hôm 9/12.
"Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất, đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Hôm nay, chính phủ Cộng hòa Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và sẽ chấm dứt mọi liên lạc hoặc quan hệ chính thức", Ngoại trưởng Moncada cho biết thêm trong tuyên bố phát bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Cơ quan đối ngoại của Đài Loan tuyên bố "lấy làm tiếc" đối với quyết định của Nicaragua, đồng thời khẳng định Đài Loan vẫn luôn là người bạn đáng tin cậy và trung thành của Nicaragua.
Tuyên bố của Nicaragua được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy việc thuyết phục các đồng minh ngoại giao của Đài Loan chuyển hướng mối quan hệ chính thức sang Trung Quốc. Phần lớn trong số 14 đồng minh còn lại của Đài Loan là các quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Hàng loạt đồng minh ngoại giao của Đài Loan, trong đó có 3 đồng minh ở Mỹ Latinh gồm Panama, El Salvador và Cộng hòa Dominica, đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, quay sang Trung Quốc. Mỹ Latinh cũng là địa bàn cạnh tranh ngoại giao gay gắt trong nhiều thập niên giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Đài Loan từng cáo buộc Bắc Kinh đưa ra các lời hứa về kinh tế để lôi kéo các nước từng là đồng minh ngoại giao của hòn đảo, song lại thất hứa trong việc chuyển khoản viện trợ hàng tỷ USD cho các nước này.
Năm 2019, Đài Loan từng cắt đứt quan hệ với quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati sau khi nước này chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đài Loan cắt đứt quan hệ với Solomon, một quốc gia Thái Bình Dương khác, với lý do tương tự.
Một nhóm nghị sĩ Mỹ hồi năm 2019 đã đề xuất dự luật nhằm ngăn cản các nước đồng minh ít ỏi còn lại của Đài Loan quay lưng với hòn đảo để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Chiến lược của Mỹ là yêu cầu chính phủ các nước trên thế giới ủng hộ việc thừa nhận quan hệ ngoại giao với Đài Loan và tăng cường các quan hệ không chính thức với hòn đảo này.
Kể từ năm 1979, Mỹ đã cắt mọi quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang công nhận chính phủ Trung Quốc. Mặc dù vậy, Washington cho đến nay vẫn duy trì quan hệ không chính thức và bán vũ khí cho hòn đảo.
Gần đây, việc Lithuania cho phép sử dụng tên "Văn phòng đại diện Đài Loan" đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Đài Loan có văn phòng đại diện ở nhiều nước châu Âu khác, nhưng thường được sử dụng với tên gọi "văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc". Mỹ và châu Âu cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện "chiến dịch gây áp lực" và "bắt nạt" chống lại Lithuania và Đài Loan khi 2 bên "quyết định làm sâu sắc hơn mối quan hệ văn hóa và kinh tế đôi bên cùng có lợi".