Thế khó của Nga nếu muốn kiểm soát toàn bộ bờ Biển Đen của Ukraine
(Dân trí) - Nga đã phong tỏa khu vực Biển Đen của Ukraine, nhưng để kiểm soát được các khu vực duyên hải khu vực này lại là một bài toán khó, với hàng loạt rủi ro.
AFP dẫn lời các chuyên gia nhận định, dù Nga có thể đạt được thế áp đảo ở khu vực Biển Đen so với phía Kiev, nhưng nếu họ muốn kiểm soát toàn bộ khu vực bờ biển của Ukraine thì đây có thể là phương án nguy hiểm.
Theo tình báo Anh, Nga hiện vận hành 20 chiến hạm ở Biển Đen và họ phong tỏa được khu vực này nhờ số tàu đông đảo. Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm chiến hạm các bên trong giao tranh đi vào Biển Đen thông qua 2 eo biển Bosporus và Dardanelles, dẫn tới việc Nga cần phải cần bảo toàn lực lượng của họ tại đây vì họ không thể đưa thêm tàu vào khu vực này.
Về mặt lý thuyết, Nga hiện đã kiểm soát hoàn toàn biển Azov và họ đang hướng tới kiểm soát khu vực duyên hải Biển Đen của Ukraine theo mục tiêu mà họ đề ra trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, vụ chiến hạm Moskva bị chìm hồi tháng trước ở Biển Đen dường như đã đặt Nga vào rủi ro nhất định.
Nga cho biết một vụ hỏa hoạn làm nổ kho vũ khí trên soái hạm đã khiến nó bị chìm, trong khi Ukraine tuyên bố bắn tên lửa Neptune vào con tàu.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, việc Nga mất Moskva dường như có thể ảnh hưởng nhất định tới kế hoạch trong tương lai của Nga với khu vực Odessa ở duyên hải Biển Đen.
Theo các chuyên gia, Nga giờ đây sẽ phải cân nhắc lại phương án đổ bộ quân từ tàu chiến xuống gần Odessa vì lo ngại các tên lửa của Ukraine, cũng như hỏa lực chống hạm mà phương Tây sắp viện trợ cho Kiev.
"Khu vực này ẩn chứa mối đe dọa mà Nga cần phải cân nhắc", chuyên gia quốc phòng Igor Delanoe tại tổ chức French-Russian Monitor, nhận định.
Ông cho rằng, tiến triển của lực lượng Nga ở Đông Ukraine có thể mang tới cho Moscow các hướng tiếp cận mới tới Odessa, nhưng nhấn mạnh Nga sẽ cần phải vô hiệu hóa lực lượng phòng vệ bờ biển của Ukraine trước.
Chuyên gia Michael Petersen, từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết các lực lượng Nga dường như đã gặp khó khăn nhất định trong việc định vị và vô hiệu các tên lửa đất đối không di động của Ukraine do tính cơ động của những khí tài này. Ông Petersen cho rằng, Moscow cũng có thể gặp phải trở ngại tương tự với các lá chắn phòng thủ bờ biển có thể di chuyển được của Ukraine.
Ông nhận định, điều này có thể giúp cho Ukraine tạo ra mối đe dọa với tuyến tiếp tế hậu cần của Nga giữa Kherson (khu vực mà Moscow đã kiểm soát) với Nikolayev, khu vực nằm sát Odessa.
Thêm vào đó, Ukraine cũng đang và sắp triển khai các máy bay không người lái có khả năng trinh thám các hệ thống vũ khí của Nga ở khu vực cũng như phóng hỏa lực vô hiệu hóa chiến hạm. Hôm 2/5, Ukraine tuyên bố bắn chìm 2 tàu tuần tra của Nga ở Biển Đen bằng máy bay không người lái TB2, đánh dấu một mối đe dọa mới với các tàu Nga đang hiện diện ở khu vực này.