1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thế giới "bày tỏ" về giải Nobel Hoà bình cho Obama

(Dân trí) - Giải Nobel Hoà bình trao cho Tổng thống Mỹ đã được cộng đồng quốc tế đón nhận với nhiều thái độ khác nhau, như ca ngợi, phản đối, thất vọng, động viên, khuyến khích. Song phần lớn cho rằng giải thưởng là một khích lệ cho Obama.

 
Thế giới "bày tỏ" về giải Nobel Hoà bình cho Obama - 1
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cho rằng ông Obama xứng đáng giành giải thưởng Nobel Hoà bình 2009.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon

 

Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên đa phương mới, một kỷ nguyên mới mà tất cả các thách thức nhân loại đối mặt yêu cầu cần có một sự nghiệp toàn cầu chung và nỗ lực chưa từng có của toàn cầu. Tổng thống Obama tiêu biểu cho tinh thần đối thoại mới, tham gia vào những vấn đề lớn nhất của thế giới: như thay đổi khí hậu, giải giáp hạt nhân và hàng loạt thách thức an ninh cũng như hoà bình.

 

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

 

Cuối cùng, giải thưởng đã khẳng định sự trở lại của nước Mỹ trong trái tim của người dân thế giới..., trong đó có cả sự ủng hộ lớn của tôi, của nước Pháp.
 

Thủ tướng Đức Angela Merkel

 

Trong một thời gian ngắn ông ấy đã tạo được tiếng nói mới, sẵn sàng đối thoại và tôi nghĩ tất cả chúng tôi sẽ ủng hộ ông để có thể kiến tạo hoà bình trên thế giới này. Có nhiều điều còn phải làm nhưng một cánh cửa cơ hội đã mở ra. Sự ủng hộ của ông cho một thế giới phi hạt nhân là mục tiêu mà tất cả chúng ta cần phải biến thành sự thật trong vài năm tới.

 

Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama

 

Tôi thực sự rất hài lòng. Tôi muốn chúc mừng ông từ tận đáy lòng. Tôi đã thấy thế giới thay đổi kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức. Thật đáng chú ý khi ông có bài phát biểu ở Prague, kêu gọi một thế giới phi hạt nhân.

 

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasussen

 

Tổng thống Obama đã có những nỗ lực phi thường để củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc. Ông ấy cũng đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của mình, nhằm giúp xây dựng hoà bình và bảo vệ nhân quyền căn bản của con người, trong đó có việc thông qua liên minh bắc Đại Tây Dương. Ông đáng được hưởng vinh dự này.

Về việc Tổng thống Obama đoạt giải Nobel Hoà bình, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, cho biết: “Với việc Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kỳ Barack Obama được Uỷ ban giải Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hoà bình năm 2009, chúng tôi hi vọng Tổng thống Obama sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hòa bình - mục tiêu của giải thưởng này.”

Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) Mohamed Elbaradei, từng đoạt giải Nobel Hoà bình

 

Theo tôi, hiện nay không có ai đáng được hưởng giải thưởng này hơn Barack Obama. Trong chưa đầy một năm, ông ấy đã mang lại sự thay đổi căn bản trong cách chúng ta tự nhìn nhận chúng ta, trong cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Ông ấy đang khôi phục lại những giá trị cốt lõi căn bản mà tất cả chúng ta nên theo: đối thoại, tôn trọng, dân chủ, nhân quyền, và một hệ thống an ninh không dựa vào vũ khí hạt nhân. Cống hiến của ông cho những giá trị này thắp sáng hi vọng rằng, cuối cùng, chúng ta cũng có thể có một thế giới hoà bình.

 

Bộ trưởng ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki

 

Chúng tôi không có phản đối gì nếu giải thưởng này là một khích lệ để đảo ngược kẻ gây chiến và chính sách đơn phương của chính quyền Mỹ trước và nếu nó khuyến khích một chính sách chỉ dựa trên hoà bình.

 

Thời gian thích hợp để trao một giải thưởng như thế này là khi các lực lượng quân sự nước ngoài rời Iraq cũng như Afghanistan và khi mọi người đứng ra bảo vệ quyền của những người Palestine bị đàn áp.

 

Người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, ông Siamak Hirai

 

Chúng tôi chúc mừng ông Obama vì đã giành giải Nobel. Nhiệm vụ khó khăn của ông cùng tầm nhìn mới của ông về các mối quan hệ toàn cầu, mong muốn, nỗ lực của ông để tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện ở tầm thế giới, và hoà bình thế giới khiến ông là người thích hợp nhận giải Nobel Hoà bình.

  

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

 

Ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên khắp thế giới và tôi biết giải thường này cũng thể hiện hi vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ dẫn đến một kỷ nguyên mới hoà bình và hoà giải. Không có nơi nào cần hoà bình hơn ở Trung Đông, một khu vực từ lâu nổi tiếng với khủng bố và máu đổ.

 

Tôi hi vọng được phối hợp chặt chẽ với ông trong những năm tới để đạt được hoà bình và để trao hi vọng cho các dân tộc trong khu vực của chúng tôi, những người đáng được sống trong hoà bình, an ninh và chân giá trị.

 

Nhà thương thuyết chính của chính quyền Palestine Saed Erekat

 

Chúng tôi hi vọng rằng ông sẽ có thể đạt được hoà bình ở Trung Đông và làm cho Israel rút quân về vùng biên giới vạch ra năm 1976 và thiết lập được một nhà nước Palestine độc lập với Jerusalem là thủ đô và đường biên giới như năm 1976.

 

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh

 

Chúng ta đang cần hành động, chứ không phải lời nói. Nếu không có sự thay đổi thực sự, căn bản trong chính sách của Mỹ đối với việc thừa nhận quyền của người Palestine, tôi nghĩ giải thưởng này sẽ không làm chúng ta tiến lên hay tụt lùi lại.

 

Cựu lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình

 

Tôi rất vui. Những gì Obama làm trong nhiệm kỳ của mình là một chỉ dấu lớn, ông ấy đã tạo được hi vọng. Trong thời gian khó khăn này, những ai có khả năng gánh trách nhiệm, có tầm nhìn, nỗ lực và ý chí chính trị nên được ủng hộ.

 
Tổng giám mục Nam Phi, Desmond Tu Tu, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình

 

Ông ấy thậm chí còn chưa hoàn thành một năm tại nhiệm với tư cách là một tổng thống khá trẻ. Ở đây giải thưởng mong đợi sự đóng góp lớn hơn, làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn cho tất cả mọi người.

 

Cựu Tổng thống Ba Lan và là người từng đoạt giải Nobel Hoà bình Lech Walesa

 

Sớm quá chăng? Đúng là quá sớm. Ông ấy chưa tạo ra hành động thực sự nào. Ông ấy vẫn còn ở giai đoạn đầu. Ông ấy mới chỉ bắt đầu hành động.

 

Có thể giải thưởng là một sự khích lệ để ông ấy hành động. Hãy chờ xem ông ấy có xứng đáng với giải thưởng.

 

Cựu Tổng thống Mỹ, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình Jimmy Carter

 

Đó là sự ủng hộ lớn của quốc tế đối với tầm nhìn, cam kết của ông với hoà bình và hoà hợp trong các mối quan hệ quốc tế. Nó cho thấy hi vọng mà chính quyền của ông đề ra không chỉ ở đất nước chúng ta mà với cả người dân khắp thế giới.

 

Cựu Phó tổng thống Mỹ, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình Al Gore

 

Tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ cần phải mất thêm một thời gian nữa trước khi mọi người tổng hợp tất cả những động thái khác nhau liên quan đến bài phát biểu của ông tại LHQ về việc xoá bỏ vũ khí hạt nhân, sự thay đổi của ông trong chương trình phòng vệ tên lửa ở Đông Âu và động thái của Nga tham gia cùng cộng đồng quốc tế vận động Iran thực hiện đúng hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

 

Jody Williams, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình vì chiến dịch vận động cấm mìn

 

Tôi nghĩ thật ngốc nghếch khi nghĩ rằng giả Nobel Hoà bình không bị chính trị hoá, đó không phải là một giải thưởng nhân đạo, đó là một giải thưởng để ghi nhận sự thay đổi của thế giới nhằm đóng góp vào hoà bình, và đôi khi là sự cộng nhận đối với quan điểm, tầm nhìn về hoà bình. Ông ấy sẽ phải đối mặt với cả những mâu thuẫn lớn: ông ấy sẽ gửi thêm 40.000 quân tới Afghanistan khi vừa nhận giải Nobel Hoà bình? Tôi nghĩ mâu thuẫn đó cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

 

Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên đoàn nhân quyền quốc tế

 

Trao giải Nobel Hoà bình cho Obama là một cách để khuyến khích, động viên ông ấy không từ bỏ những nguyên tắc toàn cầu mà ông ấy bênh vực.

 

Phan Anh

Tổng hợp

 

Dòng sự kiện: Giải Nobel 2009

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm