Nobel Hoà bình cho Obama: "Vinh danh" lời hứa hơn hành động?
(Dân trí) - Đối với một trong những tổng thống trẻ nhất nước Mỹ, tại vị chưa đầy 9 tháng, và mới chỉ được có 12 ngày trước hạn chót đề cử cho giải Nobel vào tháng 2 vừa qua, thì giải Nobel Hoà bình quả là một bất ngờ lớn.
Việc trao giải thưởng Nobel Hoà bình cho Tổng thống Barack Obama đã gây bất ngờ cho ngay cả Washington, khi nhận được tin vui vẫn còn chìm trong giấc ngủ, trong bóng tối. Vậy Obama giành chiến thắng vì điều gì?
Theo đánh giá của các chuyên gia, giải thưởng có vẻ như “vinh danh” lời hứa hơn là hành động. Cho đến nay, Obama vẫn chưa có giây phút chiến thắng nổi bật nào. Giống như hầu hết mọi tổng thống trong năm đầu tiên tại nhiệm, bản báo cáo trong chương trình nghị sự đầy tham vọng của Obama vẫn “chưa hoàn thành”.
Ông đã cấm các biện pháp thẩm vấn hà khắc đối với các nghi phạm khủng bố. Ông cũng hứa sẽ đóng cửa nhà tù quân sự gây tranh cãi của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba, nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng gì, khiến ông có thể phải bỏ lỡ mất hạn chót vào tháng 1/2010 của chính mình.
Ông cho biết sẽ kết thúc cuộc chiến Iraq nhưng lại giảm tiến độ rút quân Mỹ xuống đôi chút. Trong khi đó, ông vướng vào một cuộc chiến thứ hai với thế giới Hồi giáo, ở Afghanistan, và đang nghiêm túc xem xét dốc toàn lực cho cuộc chiến này.
Ông cũng đã có nhiều nỗ lực mới để hoà giải giữa Israel và người Palestine. Nhưng cho đến nay vẫn có rất ít sự hợp tác từ phía Israel lẫn Palestine.
Sau khi nhận được tin đoạt giải Nobel Hoà bình 2009, ông Obama cho biết ông cũng "bất ngờ và cảm thấy còn rất thấp kém" đối với giải thưởng và những người đã từng đoạt giải trước đó. Ông tuyên bố sẽ chỉ nhận vinh dự này như là một "lời kêu gọi hành động". Theo ông giải Nobel Hoà bình nên được “chia cho tất cả những ai đấu tranh cho công bằng và chân giá trị”. |
Ông nói muốn một thế giới phi hạt nhân. Nhưng đó chỉ là một tham vọng trong bài phát biểu ở Prague hồi tháng 4 của ông. Còn một tham vọng nữa là nối “tình thân” giữa các quốc gia còn đang lưỡng lự với các nhà lập pháp Mỹ vào trong một “mớ” thoả thuận, hiệp ước cần thiết.
Ông cam kết sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Nhưng nước Mỹ có vẻ như sẽ phải bước vào các cuộc thương lượng quan trọng của quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen vào tháng 12 tới với dự luật được Obama ủng hộ vẫn còn bị ngăn cản.
Và còn về uy tín toàn cầu của Obama? Dường như nó đã bị “giáng đòn” đúng một tuần trước, khi chuyến đi vượt Đại Tây Dương của ông nhằm giúp Chicago đăng cai Olympic 2016 đã bị từ chối ngay từ vòng ngoài.
Theo đánh giá của nhiều người, với Uỷ ban Nobel, chỉ cần thay đổi giọng điệu từ Washington tới phần còn lại của thế giới dường như đã là đủ. Obama đã giành được nhiều chú ý cho bài phát biểu của ông ở Cairo, khi chìa bàn tay của nước Mỹ tới người Hồi giáo trên thế giới. Những nhận xét của ông ở Đại hội đồng LHQ tháng trước đã đưa ra được những “dấu mốc mới” cho cách Mỹ “làm việc” cùng thế giới.
Nhưng…
Phụ tá của Obama dường như cũng ngạc nhiên như mọi người, thậm chí còn không biết ông được đề cử cùng với một con số kỷ lục 204 người khác. Tổng thống Obama bị đánh thức bởi tin tức được đăng tải khoảng một giờ sau khi Uỷ ban Nobel công bố kết quả. Các phụ tá sau đó khẩn trương chuẩn bị cho ra tuyên bố.
Giải thưởng cũng không hẳn là một dấu cộng lớn cho Obama trên chính trường được đánh giá là khá “xảo quyệt” của Mỹ.
Obama giành chiến thắng trong cuộc chạy đua năm ngoái một phần bởi các cử tri, vốn lo lắng cho hình ảnh méo mó của nước Mỹ ở nước ngoài, bị hấp dẫn bởi lời hứa về một khởi đầu mới của ông. Phe Cộng hoà, những người chỉ trích Obama quá nổi tiếng và quá thiếu hành động, lập tức nắm lấy “cơ hội trao giải” lần này để cố gắng “dìm” ông xuống đôi chút.
Ví dụ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia đảng Cộng hoà Michael Steele cho biết: “Thật không may là quyền lực như một ngôi sao của tổng thống lại toả sáng hơn những người đã cống hiến không biết mệt mỏi để đạt được những thành tựu thực sự”.
Nhiều người còn cho rằng, giải thưởng có thể là một “cái tát” đối với người tiền nhiệm của Obama. Bởi cựu Tổng thống George W. Bush bị hầu hết thế giới "sỉ vả" bởi chính sách ngoại giao “cao bồi” của ông, bởi cuộc chiến ở Iraq, bởi thái độ “phớt lờ” trước sự ấm lên của toàn cầu.
Và nên nhớ rằng giải Nobel từ lâu có truyền thống vinh danh cho những gì là khát vọng của Uỷ ban Nobel hơn là thành tựu của người đoạt giải, ví dụ cho hoà bình Trung Đông hay một Nam Phi tốt đẹp hơn. Trong một số trường hợp, giải thưởng được trao để khuyến khích những ai nhận giải, để thấy đó như là động lực cố gắng vào những thời điểm khó khăn.
Chủ tịch Uỷ ban Nobel Thorbjoern Jagland đã nói rất nhiều như thế. “Một số người nói và tôi hiểu điều họ nói, giải thưởng (cho Obama) là quá sớm? Quá sớm?”, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP. “Ồ, khi đó tôi sẽ nói có thể sẽ quá muộn để phản ứng trong ba năm từ giờ trở đi. Giờ đã đến lúc chúng ta, tất cả chúng ta, có cơ hội để phản ứng”.
Obama chắc chắn hiểu những thách thức ông phải đối mặt khó có thể giải quyết một sớm một chiều. “Sẽ không dễ dàng gì”, đó là câu ông thường nói khi đề ra các nhiệm vụ cho nước Mỹ.
Và dường như Uỷ ban Nobel đã táo bạo hi vọng rằng cuối cùng Obama sẽ “tạo” ra được một bản báo cáo xứng đáng với giải thưởng họ đã trao cho ông.
Phan Anh
Theo AP