1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Mỹ Obama bất ngờ giành giải Nobel Hòa bình 2009

(Dân trí) - Ủy ban Nobel vừa cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2009 vì “những nỗ lực phi thường của ông nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”.

Tổng thống Mỹ Obama bất ngờ giành giải Nobel Hòa bình 2009 - 1
Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho Tổng thống Obama gây bất ngờ cho giới quan sát.
 
Tổng thống Obama đã vượt qua một con số kỷ lục các ứng cử viên cho giải thưởng danh giá này. Được biết năm nay, danh sách ứng cử viên có 205 người.
 

Lựa chọn khá bất ngờ từ ủy ban gồm 5 thành viên trên đã đưa Obama trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ ba giành giải thưởng Nobel Hòa bình và “gây kinh ngạc” cho giới quan sát giải Nobel, bởi ông Obama nhậm chức chưa đầy hai tuần trước hạn đề cử giải ngày 1/2. Cái tên Obama đã được đồn đoán từ trước ngày công bố hôm nay, nhưng nhiều người theo dõi Nobel tin rằng vẫn còn quá sớm để trao giải cho Tổng thống Obama.

 

“Trong cùng một hoàn cảnh, rất hiếm có một người lại gây được sự chú ý của cả thế giới và cho mọi người thấy được hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn như Obama”, Ủy ban Nobel Na Uy nhận xét khi công bố giải Nobel Hòa bình. “Thuật ngoại giao của ông được hình thành trên quan niệm rằng những người lãnh đạo thế giới phải lãnh đạo trên cơ sở giá trị và quan điểm được phần lớn dân chúng thế giới chia sẻ”.

 
Ủy ban Nobel cho biết họ cũng đánh giá cao sự nhìn nhận, nỗ lực của Obama về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông Obama đã kêu gọi các nước cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để tiến tới một thế giới phi hạt nhân và tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị ngưng trệ.
 

Trước Obama, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã giành giải Nobel Hòa bình vào năm 1906 và Tổng thống Woodrow Wilson giành giải thưởng danh giá này vào năm 1919. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng được trao giải này vào năm 2002, trong khi cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore chia sẻ giải thưởng với Ủy ban về biến đổi khí hậu của LHQ vào năm 2007.

 
Người giành giải được nhận một huy chương vàng, một bằng chứng nhận và một tấm séc trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,4 triệu USD). Giải thưởng sẽ được trao tại Olso vào ngày 10/12 tới.
 

Không giống như các giải Nobel khác, được các viện ở Thụy Điển đánh giá, Alfred Nobel mong muốn giải Nobel Hòa bình phải được một ủy ban 5 thành viên do Quốc hội Na Uy bầu ra lựa chọn. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội.

 

Thời gian trôi qua, Ủy ban Nobel Hòa bình ở Na Uy đã diễn giải hướng dẫn của Nobel dưới cái nhìn rộng hơn, vượt ra ngoài sự hòa giải hòa bình, bao gồm cả công cuộc chiến đấu với nghèo đói, bệnh tật và thay đổi khí hậu.

 

Phan Anh

Theo BBC, AP

Dòng sự kiện: Giải Nobel 2009

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm