1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thất vọng với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 29/9 đã có cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp nước chủ nhà Nga Vladimir Putin tại thành phố nghỉ mát Sochi.

Thất vọng với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi ngày 29/9 (Ảnh: AFP).

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan diễn ra trong bối cảnh hai đồng minh trong khối liên minh quân sự NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ngày càng chia rẽ gay gắt trong nhiều vấn đề.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là từ chối một gặp song phương bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 23/9, ông Erdogan tỏ rõ thái độ thất vọng và không hài lòng. Trong một cuộc họp ngắn ngủi với các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo này nói rằng, bản thân ông đều hợp tác tốt với tất cả các cựu Tổng thống Mỹ, nhưng với ông Biden thì không.

Chỉ một ngày sau, ông Erdogan tiếp tục chỉ trích ông Biden, lần thứ hai chỉ trong vòng 24 giờ, khi nói rằng các cuộc hội đàm gần đây với Tổng thống Mỹ đều "rất đáng thất vọng". Ông Erdogan cũng cáo buộc Washington hỗ trợ "các tổ chức khủng bố", ám chỉ mối quan hệ của Mỹ với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) thuộc đảng Công nhân Kurdistan (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng chia rẽ sâu sắc, ông Erdogan đến Sochi để gặp người đồng cấp Putin, trong một động thái được cho là nhằm tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.

Trong khi ông Erdogan liên tục chỉ trích và căng thẳng với người đồng cấp Mỹ, với ông Putin thì câu chuyện hoàn toàn khác. Tổng thống Erdogan liên tục nói về "mối quan hệ trung thực và tốt đẹp" với người đồng cấp Putin nói riêng, và mối quan hệ vững chắc mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập với Nga nói chung.

Về phần mình, ông Putin ca ngợi "Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác thành công trong nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cả Libya và Syria". Tổng thống Erdogan nhất trí với đánh giá của người đồng cấp Putin rằng, những bước đi chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có ý nghĩa quan trọng to lớn.

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo lần này là "cuộc gặp toàn diện nhất kể từ khi bắt đầu quan hệ song phương".

"Thổ Nhĩ Kỳ coi mối quan hệ thân thiết hơn với Nga là nguồn lực giúp họ củng cố chủ quyền chiến lược của mình, trong khi Moscow coi Ankara là một công cụ để nâng tầm vị thế", chuyên gia Maxim Suchkov tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nói với hãng tin Al Jazeera.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua hệ thống S-400 mới của Nga?

Ngoài vấn đề Syria, giới quan sát cũng chú ý tới việc ông Erdogan có thể sẽ quyết định mua lô hệ thống S-400 mới của Nga, mà nếu xảy ra sẽ có nguy cơ đẩy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ thêm căng thẳng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã nói rằng, Ankara có thể sẽ tiếp tục đàm phán mua lô hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai từ Nga, bất chấp phản đối từ Mỹ. Ngay sau tuyên bố của Erdogan, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cảnh báo bất kỳ thương vụ mới nào của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt mới theo Đạo luật Chống các đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Theo ông Galip Dalay, thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), đối với Washington, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga không đơn giản chỉ là một thương vụ vũ khí, mà nó được coi dấu hiệu chuyển dịch về phương Đông, xích lại gần Nga và Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO và cũng là nơi liên minh này đặt hàng loạt căn cứ quân sự thiết yếu. Ankara cũng là đối tác trong "cuộc chiến chống khủng bố" và tuyến phòng thủ chống lại các mối đe dọa ở Trung Đông của Washington.