1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan vật lộn làn sóng Covid-19 thứ 3, Bangkok như "quả bom chực nổ"

Minh Phương

(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 thứ ba đang đe dọa nhấn chìm hệ thống y tế của Thái Lan khi các bệnh viện thiếu giường trầm trọng, giới chức địa phương tính đến việc cách ly tại nhà với ca bệnh không triệu chứng.

Thái Lan vật lộn làn sóng Covid-19 thứ 3, Bangkok như quả bom chực nổ - 1

Thái Lan đang phải đối phó làn sóng Covid-19 thứ ba (Ảnh: Getty).

Theo báo Nikkei Asia, giới chức y tế Thái Lan đang căng mình đối phó các cụm dịch Covid-19 mới xuất hiện trên khắp cả nước. Một số bệnh viện lớn cũng như các đại học y ở thủ đô Bangkok đã buộc phải tạm ngừng xét nghiệm Covid-19 do không còn giường bệnh.

Hôm 26/6, Thái Lan ghi nhận 4.161 ca mắc mới và kỷ lục 51 ca tử vong trong ngày. Hầu hết ca nhiễm mới ở Bangkok - nơi vẫn bị xếp vào khu vực cần kiểm soát tối đa dịch bệnh.

Tình hình hiện nay đối lập với cách đây một năm khi Thái Lan được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng phó dịch với việc duy trì số ca nhiễm trung bình mỗi ngày ở mức hai con số. Hiện tại mỗi ngày Thái Lan ghi nhận khoảng 2.000 đến 4.000 ca mắc mới, trong khi số ca bình phục khoảng 1.500 ca/ngày. Điều này có nghĩa là số ca bệnh Covid-19 nhập viện ở Thái Lan tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày, trong đó nhiều bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực.

Tính đến ngày 28/6, Thái Lan có tổng cộng gần 221.000 ca Covid-19 phải nhập viện, gần 175.000 người đã bình phục và xuất viện, nghĩa là vẫn còn khoảng 46.000 người đang nằm viện. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 40.500 giường bệnh và số người nhiễm bệnh vẫn đang tăng mạnh. Chính phủ Thái Lan buộc phải căng mình ứng phó nhằm tránh dịch bệnh lây lan vượt tầm kiểm soát hơn nữa.

Thái Lan vật lộn làn sóng Covid-19 thứ 3, Bangkok như quả bom chực nổ - 2

Người dân Thái Lan được xét nghiệm Covid-19 vào tháng 3/2021 (Ảnh: EPA-EFE).

"Tôi muốn phát đi một cảnh báo rõ ràng rằng tình hình ở Bangkok giống như một quả bom đang chực nổ", bác sĩ Adune Ratanawichtrasin của Bệnh viện Đại học y Mahidol nói. Các bệnh viện lớn khác như Ramathibodi và Chulalongkorn cũng không còn giường bệnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul không đồng tình với đánh giá của ông Adune. "Bộ Y tế Thái Lan sẽ không để hệ thống y tế công sụp đổ. Không ai nên nhắc đến điều này", ông Anutin nói với phóng viên hôm 25/6.

Ông Anutin nhấn mạnh, ngành y tế và các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ để cải thiện tình hình, chính phủ sẵn sàng khai thác mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ông Anutin không nêu rõ biện pháp để huy động thêm nhân lực cho đội ngũ y tế đang rất căng thẳng này.

Tình hình càng trở nên đáng lo ngại hơn khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Thái Lan. Mặc dù quy mô tương đối nhỏ, nhưng giới chức ở đây lo ngại các cuộc biểu tình này có thể khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn nữa. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ra lệnh phong tỏa một phần Bangkok để ngăn các hoạt động tập trung đông người.

Tuy không có bằng chứng khẳng định số ca Covid-19 tăng mạnh liên quan trực tiếp đến các cuộc biểu tình cuối tuần qua, nhưng theo số liệu của giới chức y tế Thái Lan, nước này ghi nhận kỷ lục 5.406 ca mắc mới trong ngày 28/6.

Khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng tồi tệ hơn, giới chức Thái Lan buộc phải khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng tự cách ly tại nhà. Bệnh nhân sẽ được cung cấp một nhiệt kế và máy đo nồng độ oxy để theo dõi tình hình sức khỏe. Trong trường hợp cần thiết, những người này có thể dùng thuốc Favipiravir để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, một số bệnh nhân Covid-19 ở Thái Lan đã tử vong tại nhà do thiếu giường bệnh.