1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tên lửa diệt hạm của Ukraine khiến Nga phải dè chừng

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine cho biết, Hải quân Nga đã giảm bớt số lượng tàu mang tên lửa hành trình ở Hạm đội Biển Đen, sau khi Kiev đưa vào biên chế các tên lửa chống hạm Harpoon hiện đại.

Tên lửa diệt hạm của Ukraine khiến Nga phải dè chừng - 1
Khinh hạm Đô đốc Essen có khả năng mang theo tên lửa hành trình của Hạm đội Biển Đen (Ảnh: Defense Express).

Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine cho biết Hải quân Nga đã sắp xếp lại biên chế của Hạm đội Biển Đen. Theo đó, mặc dù các hoạt động tuần tra nhằm phong tỏa Biển Đen vẫn được tiếp tục, số lượng tàu chiến mang tên lửa hành trình của Hạm đội này đã được giảm xuống.

Dựa trên những dữ liệu thu thập được, giới chức quốc phòng Ukraine cho biết Hạm đội Biển Đen hiện chỉ còn duy trì hoạt động của 2 tàu hộ vệ cùng một tàu ngầm với khả năng mang tổng cộng 20 tên lửa hành trình Kalibr để thực hiện nhiệm vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Ukraine. Bên cạnh đó, một tàu đổ bộ cũng đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Việc cắt giảm số tàu chiến mang tên lửa hành trình lần này được cho là một động thái thận trọng của Hải quân Nga, trong bối cảnh Ukraine đã đưa vào biên chế các tên lửa chống hạm Harpoon hiện đại. Ngoài ra, giới thạo tin tiết lộ chính phủ Mỹ cũng đang chuẩn bị công bố một gói hỗ trợ quân sự mới, trong đó có bao gồm các tên lửa Harpoon được gắn trên xe tải cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Tên lửa diệt hạm của Ukraine khiến Nga phải dè chừng - 2
Tổ hợp tên lửa chống hạm Harpoon được đặt trên khung gầm xe tải (Ảnh: Naval News).

Có thể mang được đầu đạn nổ nặng tới 227kg, tên lửa Harpoon là một trong những loại tên lửa chống hạm hiệu quả và đáng sợ nhất thế giới. Với tốc độ cận âm, khả năng hoạt động trong mọi thời tiết và được dẫn đường bằng cả hệ thống định vị toàn cầu và ảnh hồng ngoại, tên lửa này được nhận xét là có thể bắn hạ bất cứ tàu chiến nào trong biên chế của Hải quân Nga.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov đã lên tiếng cảnh báo các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen sẽ chịu chung số phận với soái hạm Moskva sau khi lực lượng phòng thủ Ukraine đưa các tên lửa Harpoon vào trực chiến cùng với các tên lửa Neptune nội địa.

Đáp lại lời thách thức này, các kỹ sư của Hải quân Nga đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không Tor lên boong các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng không trước mối đe dọa từ tên lửa hành trình chống hạm.

Tuy nhiên, Hải quân Nga đã lên tiếng xác nhận việc lắp đặt và thử nghiệm các hệ thống Tor lên các tàu tuần tra mang tên lửa của nước này tại Biển Đen sẽ không thể hoàn thành trước năm nay. Do đó, việc số lượng tàu trực chiến tại Biển Đen được rút xuống sẽ giúp Hải quân Nga giảm bớt mối lo ngại từ những thiệt hại mà tên lửa của Ukraine có thể gây ra.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm