Tây Ban Nha xin lỗi người Catalonia vì để xảy ra bạo lực trong trưng cầu dân ý
(Dân trí) - Một quan chức của Tây Ban Nha lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi vì cảnh sát sử dụng bạo lực để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp” nhằm đòi độc lập của xứ Catalonia.
Sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và người bỏ phiếu Catalonia tuần trước, căng thẳng Tây Ban Nha và Catalonia có dấu hiệu leo thang. Trong khi Thủ hiến xứ Catalonia Carles Puigdemont cho biết sẽ đơn phương tuyên bố độc lập thì Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết sẽ can thiệp và ngăn chặn việc này.
Tuy nhiên, tình hình dường như đã dịu lại khi vào ngày 6/10, hai bên cùng chủ động “xuống nước” nhằm kiểm soát tình hình. Ông Enric Millo, đại diện của chính quyền Tây Ban Nha tại Catalonia, đã lên tiếng xin lỗi và lấy làm tiếc vì cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người bỏ phiếu.
Phát ngôn viên của chính phủ Tây Ban Nha Ignacio Mendez de Vigo cũng lấy làm tiếc về những trường hợp bị thương.
Trong khi đó, chính trị gia Santi Vila, đồng minh thân thiết của Thủ hiến Carles Puigdemont, trả lời đài Rac1 rằng, phe của ông sẽ cân nhắc về việc "đình chiến" để tránh căng thẳng.
Tòa án Tây Ban Nha cũng ra lệnh triệu tập người đứng đầu sở cảnh sát Catalonia Josep Lluis Trapero và 2 nhà vận động đòi độc lập cho Catalonia Jordi Cuixart và Jordi Sanchez. Những người này bị cáo buộc một số tội danh, nhưng dường như vì hòa khí giữa Maldrid và Barcelona nên tòa quyết định không tạm giam họ, do lo ngại sẽ đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang.
Ngoài việc tòa án cấm Catalonia tổ chức phiên họp quốc hội mà xứ này gọi là lễ tuyên bố độc lập, chính phủ Tây Ban Nha còn lên kế hoạch gây áp lực cho Catalonia về mặt kinh tế. Tây Ban Nha đã ký nghị định yêu cầu các doanh nghiệp chuyển trụ sở từ Catalonia sang một vùng khác. Công ty ga và 2 ngân hàng lớn nhất xứ Catalonia Sabadell và CaixaBank tuyên bố đã rút trụ sở hợp pháp ra khỏi Catalonia.
Hiện tại, nội bộ Catalonia có sự chia rẽ. Dù lãnh đạo xứ này tuyên bố có 90% người ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha tuy nhiên số cử tri đi bầu chỉ đạt 43%. Các khảo sát gần đây cũng thấy sự phân cực rõ ràng giữa 2 ý thức hệ ở Catalonia.
Ngày 6/10, Thụy Sĩ tuyên bố đã liên hệ với cả 2 phía Maldrid và Barcelona và nhấn mạnh rằng họ sẽ không làm trung gian nếu 2 bên chưa sẵn sàng. Phía Tây Ban Nha kiên quyết nhấn mạnh sẽ không có cái là đàm phán hoặc trung gian nếu Catalonia không từ bỏ cuộc trưng cầu dân ý độc lập.
Đức Hoàng
Theo CNA