Catalonia đòi độc lập: Những ngọn lửa ly khai âm ỉ ở châu Âu
(Dân trí) - Phong trào đòi độc lập ở Catalonia chỉ là 1 trong số những phong trào ly khai đang diễn ra tại châu Âu. Các lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng nếu phong trào ở Catalonia thành công, nó có thể thổi bùng ngọn lửa âm ỉ và kéo theo hàng loạt các kịch bản ly khai tương tự.
Do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử, các phong trào ly khai ở châu Âu có thể nhen nhóm từ thành phố nhỏ cho đến một vùng rộng lớn. Trong khi một số phong trào ly khai chỉ đòi hỏi một số quyền tự trị từ chính phủ trung ương thì số khác có thể đòi hỏi hoàn toàn quyền tự quyết với vận mệnh của chính mình.
CNBC trích lời chuyên gia kinh tế Willem Buiter của tập đoàn Citi nhận định rằng thời kì các vùng tự trị của châu Âu dường như đang quay trở lại. “nhiều nước trong liên minh châu Âu EU đang gặp vấn đề liên quan tới ly khai bao gồm Anh, Bỉ, Italy và đây không phải vấn đề của riêng quốc gia nào”, ông Buiter chia sẻ.
CNBC đã liệt kê ra danh sách những vùng lãnh thổ có thể sẽ đi theo kịch bản ly khai nếu Catalonia giành được độc lập.
Venice và Lombardy (Italy)
Hai vùng đất giàu có Lombardy và Venice của Italy đang dự định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 22/10 tới nhằm giành nhiều quyền tự trị hơn. Phong trào ly khai ở cả 2 vùng đều phát triển mạnh mẽ và những người ủng hộ độc lập đều cho rằng tiền đóng thuế của họ đang được chi tiêu cho vùng lãnh thổ nghèo hơn ở phía Nam Italy hơn là tiếp tục tái đầu tư cho sự phát triển của vùng. Giống trường hợp của Catalonia, tòa án hiến pháp Italy đã ngăn chặn 2 vùng này tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập.
Được biết đến là một trong những thành phố lãng mạn và nên thơ nhất trên thế giới, Venice chỉ trở thành một phần của Italy vào năm 1886. Năm 2014, Venice tổ chức cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc về vấn đề độc lập và có 2,1 triệu người (chiếm 89%) muốn độc lập.
Flanders và Wallonia (Bỉ)
Bỉ là quốc gia bao gồm 3 cộng đồng sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Flanders là cộng đồng nói tiếng Hà Lan nằm ở phía bắc, trong khi Wallonia ở phía nam nói tiếng Pháp, và còn có cộng đồng nói tiếng Đức ở vùng viễn đông. Phong trào đòi độc lập đã manh nha hình thành tại các vùng này.
Các tổ chức chính trị như Liên minh Flemish mới, một nhóm theo chủ nghĩa dân thủ bảo thủ chiếm đa số trong quốc hội Bỉ, ủng hộ việc ly khai dần dần Flanders khỏi Bỉ. Theo Euro News, nhóm này thậm chí còn treo cờ Catalonia ngoài trụ sở chính nhằm ủng hộ vùng lãnh thổ này ly khai khỏi Tây Ban Nha. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, vấn đề ly khai của Flanders chắc chắn sẽ được tiếp tục nhắc tới.
Xứ Basque (Tây Ban Nha)
Ngoài Catalonia thì xứ Basque nằm ở đường biển phía Bắc Tây Ban Nha cũng bày tỏ mong muốn có quyền tự trị. Giống Catalonia, Basque có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng. Tuy nhiên, nhóm chủ nghĩa dân tộc và ly khai ở Basque đã từng lựa chọn phương án bạo lực để đòi quyền độc lập. Đến năm 2011, nhóm này đã kí lệnh ngừng bắn vĩnh viễn nhằm chấm dứt phong trào vũ trang.
Các lực lượng ly khai vẫn có tiếng nói trong khu vực. Phát ngôn viên đảng Quốc gia Basque, đảng ly khai lớn nhất khu vực gần đây đã bày tỏ mong muốn Basque cũng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân giống như Catalonia.
Nam Tyrol (Italy)
Nam Tyrol nằm ở phía Bắc của Italy nhưng ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Đức. Số người nói tiếng Italy vào khoảng 510.000 người, chiếm 25% tổng dân số. Dù đã trở thành tỉnh tự trị từ năm 1972 nhưng Nam Tyrol vẫn bày tỏ ý muốn tách khỏi Italy và sáp nhập trở lại Áo. Vùng này trước đây thuộc về Đế quốc Áo-Hungary, nhưng đã được cắt cho Italy sau khi Thế chiến I kết thúc.
Scotland (Anh)
Người dân Scotland tuần hành ủng hộ trưng cầu dân ý giành độc lập (Ảnh: Getty)
Mặc dù Scotland đã được chính phủ Anh đồng ý cho tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 7/2014 nhưng phe đòi ly khai đã thua trong cuộc bỏ phiếu, với 55% người mong muốn ở lại Anh. Nhưng hiện thời đảng ủng hộ ly khai lớn nhất Scotland, đảng Quốc gia Scotland (SNP), vẫn nung nấu mong muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý khác để giành quyền tự chủ.
Lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon, gần đây đã tiếp tục kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý thứ 2. Tuy nhiên, đảng của bà đã mất một số ghế quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm nay. Điều này cho thấy người dân Scotland có vẻ không còn quá mặn mà với ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập.
Đức Hoàng
Theo CNBC