1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu ngầm hạt nhân Nga trục trặc, trôi dạt gần Đan Mạch

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một tàu ngầm hạt nhân của Nga gặp sự cố với hệ thống đẩy khiến tàu trôi dạt bên trong lãnh hải của Đan Mạch.

Tàu ngầm hạt nhân Nga trục trặc, trôi dạt gần Đan Mạch - 1

Thủy thủ tàu ngầm Orel của Nga đứng trên tàu trước khi sự cố xảy ra (Ảnh: Hải quân Đan Mạch).

Theo The Drive, sự việc xảy ra vào ngày 30/7, khi tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Oscar-II Orel của Nga gặp phải trục trặc với hệ thống đẩy khi nó đang đi qua khu vực lãnh hải Đan Mạch trên biển Baltic, gần với thành phố lớn thứ 2 của nước này, Aarhus.

Trên Facebook, hải quân Đan Mạch đã thông báo về sự cố của tàu ngầm Nga, cho rằng "nó sẽ đi vào lịch sử vì vừa kịch tính lại vừa thú vị khi tàu Orel gặp trục trặc với hệ thống đẩy và trôi dạt với tốc độ 2,78 km/h về phía đảo Sejero".

Hải quân Nga đã chuẩn bị phương án lai dắt con tàu trước khi nó hoạt động bình thường trở lại sau sự cố. Chi tiết về vụ việc chưa được công bố rõ ràng.

Theo trang tin Barents Observer, tàu Orel khi gặp sự cố đã di chuyển cùng với tàu khu trục tên lửa chống ngầm lớp Udaloy, Phó Đô đốc Kulakov từ St.Petersburg trên hành trình tới Bán đảo Kola. Thủy thủ đoàn của tàu Orel đã trèo lên trên boong trước khi sự cố xảy ra và mặc sẵn áo phao cứu hộ, trong khi tàu kéo Altai của Hạm đội Phương Bắc đã tiếp cận tàu Orel và mang theo dây thừng.

Tàu ngầm hạt nhân Nga trục trặc, trôi dạt gần Đan Mạch - 2

Tàu kéo Altai mang theo dây thừng tiếp cận tàu Orel khi sự việc xảy ra (Ảnh: Hải quân Đan Mạch).

Tàu tuần tra Đan Mạch HDMS Diana cũng tiếp cận tàu Orel và đề nghị được hỗ trợ, nhưng không thể kết nối tín hiệu vô tuyến với tàu ngầm Nga. Sau đó, thủy thủ đoàn tàu Phó Đô đốc Kulakov đã từ chối khéo đề nghị từ Đan Mạch. Tàu Diana đã hộ tống tàu Orel khi sự việc xảy ra.

Theo The Drive, không có cách nào để ra hoặc vào biển Baltic mà không đi qua lãnh hải của Đan Mạch và Thụy Điển, vì vậy, các chiến hạm nước ngoài thường được các tàu của hải quân 2 nước trên hộ tống khi di chuyển qua khu vực này. Chiến hạm nước ngoài được phép đi qua khu vực này theo quy định quốc tế về đi lại vô hại, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chí trong Điều 19 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Tàu ngầm hạt nhân Nga trục trặc, trôi dạt gần Đan Mạch - 3

Để đi qua biển Baltic, tàu nước ngoài phải di chuyển qua lãnh hải của Đan Mạch và Thụy Điển (Ảnh: Britannica).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm