1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ bất ngờ xuất hiện ở gần Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyến thăm bất ngờ của tàu ngầm năng lượng hạt nhân USS Albany của Mỹ tới Na Uy, quốc gia láng giềng với Nga, diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ bất ngờ xuất hiện ở gần Nga - 1

Tàu ngầm USS Albany (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK đưa tin, tàu ngầm năng lượng hạt nhân USS Albany của Mỹ đã xuất hiện ở Tromso ở miền bắc Na Uy trong một chuyến thăm không báo trước. Không rõ con tàu sẽ ở lại cảng trong bao lâu.

Đại diện lực lượng vũ trang Na Uy Elisabeth Eikeland cho biết, chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ tới Na Uy, quốc gia láng giềng với Nga, không được công bố trước vì nguyên tắc hạn chế thông tin.

Theo Sputnik, chuyến thăm của tàu USS Albany đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách của quân đội Na Uy, bên đã không thông báo về các chuyến thăm cảng của các chiến hạm năng lượng hạt nhân trong thời gian qua.

Tàu USS Albany dài 110 m là tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, tạo thành xương sống cho lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Có tổng cộng 62 tàu ngầm lớp này đã được đóng, trong đó 41 chiếc vẫn đang hoạt động.

Tromso, thành phố lớn nhất Tây Âu phía trên Vòng Bắc Cực, là một trong những thành phố của Na Uy có thường đón tàu chiến của các nước đồng minh NATO, và Tonsnes là một trong hai cảng ở Na Uy đón các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của NATO.

Theo Avia.pro, tàu ngầm Mỹ đã được phát hiện ngoài khơi Na Uy, nằm cách không xa biển Barrents. Trang tin này cho biết, trong thời gian qua, Mỹ đã tích cực gia tăng hiện diện quân sự ở gần biên giới phía bắc của Nga.

Chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới quốc gia thành viên NATO Na Uy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa khối liên minh và Nga đang leo thang dồn dập trong thời gian qua sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Na Uy từ ngày 24/2.

Sau động thái của Nga, NATO đã "bật đèn xanh" cho Thụy Điển, Phần Lan gia nhập khối, động thái có thể khiến khu vực Bắc Cực nóng lên trong thời gian tới.