1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tân Đại sứ Trung Quốc thể hiện "ngoại giao chiến lang" khi vừa đến Mỹ

An Bình

(Dân trí) - Tân Đại sứ Trung Quốc Tân Cương đã thể hiện phong cách "ngoại giao chiến lang" qua những bình luận cứng rắn nhằm vào Mỹ trong bài phát biểu đáng chú ý đầu tiên sau khi đến Washington nhậm chức.

Tân Đại sứ Trung Quốc thể hiện ngoại giao chiến lang khi vừa đến Mỹ - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Ảnh: Xinhua).

Ông Tần Cương mới tới Mỹ nhận chức Đại sứ Trung Quốc hồi tháng 7, nhưng thời kỳ "trăng mật" đã nhanh chóng kết thúc.

Ông Tần đã củng cố tiếng tăm là một nhà ngoại giao cứng rắn bằng các phát biểu về "niềm tin sai lầm" của Mỹ và cảnh báo Washington tránh vi phạm "ranh giới đỏ" của Bắc Kinh về lợi ích cốt lõi tại các khu vực như Đài Loan, Tân Cương...

Các bình luận trên được ông đưa ra tại một sự kiện trực tuyến hôm 31/8 có sự tham gia của một số cựu quan chức Mỹ như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Stapleton Roy…

Ông Tần đã ám chỉ khả năng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, và cảnh báo về "những hệ quả nghiêm trọng" nếu Mỹ tìm cách kìm hãm Trung Quốc bằng "vở kịch Chiến tranh Lạnh".

Theo ông Tần, những ai cho rằng đất nước ông có thể chịu chung số phận giống Liên Xô cho thấy "sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử và Trung Quốc".

Trang tin Politico nhận định, những bình luận của ông Tần đã chứng tỏ vai trò tiên phong của ông này trong phong cách ngoại giao chiến lang mà Bắc Kinh ngày càng áp dụng trong cách tiếp cận với Mỹ và thế giới.

Thời còn làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ 2005-2010, ông Tần từng mỉa mai một số nhà báo khi nói với một phóng viên rằng "đừng đưa tin dựa trên sự ảo tưởng của bạn". Hồi tháng 2 năm nay, ông Tần - khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao - đã trả lời câu hỏi của một nhà báo về ngoại giao chiến lang bằng cách chỉ trích "những con sói xấu xa" đưa tin về Trung Quốc.

Khi mới nhậm chức tại Washington, ông Tần đã có giọng điệu hòa giải vào thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Ông từng cam kết nỗ lực đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng, cố gắng đưa hai nước xích lại gần nhau. Nhưng những bình luận mới nhất của ông cho thấy ông này sẽ tiếp tục phong cách ngoại giao cứng rắn vốn góp phần khiến các cuộc gặp song phương cấp cao giữa hai nước gần đây rơi vào thế bế tắc.

Bài phát biểu của Tần cũng đưa ra một con đường hy vọng, nhấn mạnh rằng Trung Quốc nhìn thấy cơ hội hợp tác song phương thực chất về các vấn đề tồn tại như biến đổi khí hậu và đối phó Covid-19 trên toàn cầu. Ông đề cập đến "ngoại giao bóng bàn" từng mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung vào năm 1979, đồng thời cam kết hướng tới một "quan hệ Mỹ - Trung hợp lý, ổn định, dễ kiểm soát và mang tính xây dựng hơn".

Tuy nhiên, phần lớn bài phát biểu của ông tập trung vào sự không hài lòng của Trung Quốc với những gì họ cho là việc các chính trị gia Mỹ chuyên "kìm hãm Trung Quốc". Ông cũng cảnh báo chính phủ Mỹ không nên xem Trung Quốc là "đối thủ và kẻ thù tưởng tượng của họ".

Ông Tần liệt kê một loạt cảnh báo đối với Mỹ như sự ủng hộ đối với Đài Loan hay sự ủng hộ của Washington về cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO.

 "Chính sách cực đoan đối với Trung Quốc của chính quyền Mỹ trước đây đã gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương, và tình hình như vậy vẫn không thay đổi. Điều đó thậm chí còn đang tiếp tục", SCMP dẫn lời cáo buộc của ông Tần.

Ông Tần cũng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden dùng "quyền lực nhà nước để hạ bệ Huawei" và cảnh báo rằng việc thông qua luật, như Luật cạnh tranh và đối mới 2021, sẽ làm tổn hại quan hệ Mỹ - Trung Quốc và tổn hại nghiêm trọng lợi ích của chính nước Mỹ.

Giọng điệu không khoan nhượng đó cho thấy nhiệm kỳ đại sứ của ông Tần có thể báo hiệu sự đối đầu, trong bối cảnh lưỡng đảng Mỹ ngày càng hoài nghi sâu sắc về thực chất và hướng đi của mối quan hệ Mỹ - Trung.