1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Taliban trở lại - "bài toán khó" với cộng đồng quốc tế

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Taliban đã "trình làng" chính phủ lâm thời không đa dạng như lời hứa, trong khi các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Iran... đang có cách tiếp cận vừa thận trọng, vừa thăm dò.

Taliban trở lại - bài toán khó với cộng đồng quốc tế - 1

Các tay súng Taliban đạp vịt trên hồ Qarghah, gần thủ đô Kabul hồi tháng 9 (Ảnh: AFP).

Chính phủ của Taliban ra sao?

Khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, lực lượng này tuyên bố sẽ xây dựng chính phủ ôn hòa hơn. Tuy nhiên, trái với tuyên bố đó, chính phủ lâm thời tại Afghanistan do Taliban thành lập đang làm thất vọng cả người dân nước này cũng như cộng đồng quốc tế.

Đó là nội các độc quyền của Taliban, với nhiều vị trí là những người có quan điểm Hồi giáo cứng rắn, một số có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Nội các này chủ yếu là người sắc tộc Pashtun, hoàn toàn vắng bóng phụ nữ. Cam kết về một chính phủ bao trùm, có sự tham gia của các tầng lớp, phe phái bước đầu đã không trở thành hiện thực.

Trên thực tế, Taliban đã thực thi quan điểm cứng rắn, bảo thủ, áp dụng trở lại án hành quyết và các hình phạt tàn bạo đối với tội phạm. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/9 vừa qua, ông Mullah Nooruddin Turabi, một lãnh đạo của Taliban, đã cảnh báo thế giới không nên can thiệp vào giới cầm quyền mới của Afghanistan.

"Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt trong sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ", ông Turabi phát biểu. "Không ai được nói cho chúng tôi biết luật của chúng tôi phải như thế nào. Chúng tôi theo đạo Hồi và sẽ đưa ra luật của mình dựa trên kinh Quran".

Việc Taliban phóng thích hàng nghìn tù nhân, trong đó có các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), khiến nguy cơ khủng bố gia tăng. Mặc dù, Taliban ngày 21/9 khẳng định rằng không hề có "dấu vết" của các tay súng IS hoặc Al-Qaeda trên lãnh thổ Afghanistan, cộng đồng quốc tế vẫn lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại nước này.

Một trong những mối quan tâm lớn khác của các nước là nạn buôn bán ma túy. Afghanistan là một trong những nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất. Đây cũng là nguồn tài chính chủ yếu của Taliban. Mặc dù Taliban được cho là đã cam kết về việc sẽ xóa sổ nạn sản xuất ma túy, nhưng sẽ không dễ dàng để phá hủy cả một đế chế tội phạm liên quan đến ma túy và buôn người. Đó là chưa kể việc điều hành đất nước lần này dường như "quá sức" với Taliban về mọi phương diện.

Các nước phản ứng thế nào?

Taliban trở lại - bài toán khó với cộng đồng quốc tế - 2

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan trong một bức ảnh vào tháng 1/2012 (Ảnh: AP).

Những động thái của Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác cả trước và sau khi Taliban nắm quyền, làm dấy lên đồn đoán về việc các quốc gia này sẽ có ảnh hưởng tới Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rời đi. Tuy nhiên, nhìn vào cách tiếp cận về vấn đề Afghanistan của các nước, có thể thấy, hiện tại chưa có quốc gia nào thể hiện rõ ràng về việc sẽ trở thành nhân vật gây ảnh hưởng chính đối "sân khấu chính trị" tại đây. 

Trung Quốc được cho là nhiều khả năng nhất, tuy nhiên cho đến nay nước này vẫn có cách tiếp cận quan sát và chờ đợi. Đối với Bắc Kinh, tiềm năng khoáng sản, nhiên liệu là điều họ lưu tâm, nhưng ổn định và an ninh biên giới tại Afghanistan giáp khu vực Tân Cương là điều họ quan tâm nhất. Trung Quốc sẽ theo dõi sát để thẩm định Taliban về khả năng duy trì hòa bình và ổn định, khả năng bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại Afghanistan và khu vực hay không.

Thực tế "buộc Trung Quốc phải chọn cách tiếp cận quan sát và chờ đợi", bà Helena Legarda ,nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin (Đức), bình luận. Theo bà Legarda, Bắc Kinh sẽ can dự với Taliban, nhưng không công khai cam kết hậu thuẫn lực lượng này. Sự ủng hộ trước mắt sẽ tập trung vào trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan.

Nga cũng có cách tiếp cận bình tĩnh nhưng thận trọng. Trước khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, Moscow thăm dò các kênh để thiết lập một số liên hệ làm việc với Taliban vì đã dự đoán rằng "không có sự thay thế" đối với nhóm này. Khi Taliban tiếp quản quyền lực ở Afghanistan, Nga đã có nhiều động thái và tự chỉ định mình như một quốc gia trung gian hòa giải, nhấn mạnh vị trí của họ như một bên liên quan chính ở Afghanistan.  

Theo các chuyên gia, mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản hậu Mỹ ở Afghanistan, nhưng Nga tỏ ra thận trọng vì nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau "hội chứng Afghanistan". Nga không quá muốn dấn thân vào vùng biển chính trị nguy hiểm của khu vực. Moscow lo ngại rằng sự xuất hiện của bất kỳ mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nào đối với Trung Á - khu vực được coi là sân sau của Nga - có thể đe dọa đến an ninh của chính họ.

Pakistan đóng vai trò quan trọng đặc biệt ở Afghanistan và được cho là đã bí mật hậu thuẫn cho Taliban trong nhiều năm qua. Taliban nắm quyền sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để Pakistan tăng cường thương mại song phương với Afghanistan và có được tuyến thương mại không hạn chế tới các nước vùng Trung Á.

Hiện vẫn có phản ứng khác nhau trong nội bộ Pakistan, cùng với lo lắng nếu Taliban không ổn định, có thể kích hoạt một làn sóng người tị nạn sang Pakistan. Việc Taliban nắm quyền cũng khích lệ các nhóm khủng bố Hồi giáo trong chính lãnh thổ của Pakistan. Vì thế, người đứng đầu quân đội Pakistan cũng hối thúc Taliban hoàn thành lời hứa của họ đối với cộng đồng quốc tế liên quan đến việc tôn trọng quyền phụ nữ và nhân quyền.

Iran cũng được cho là muốn lấp khoảng trống tại Afghanistan. Tuy nhiên, với cơ cấu chính phủ và những động thái mới của Taliban, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho rằng, một chính phủ chỉ thuộc về một nhóm sắc tộc hoặc chính trị không thể giải quyết các vấn đề của Afghanistan. Ông Raisi bày tỏ mong muốn Afghanistan thiết lập một chính phủ đại diện cho tất cả người dân nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu ngày 13/9 tại một hội nghị trực tuyến cấp cao của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với Afghanistan luôn được định hướng bởi tình hữu nghị mang tính lịch sử của chúng tôi với người dân nước này và về sau sẽ vẫn như vậy". Song ông Jaishankar cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng Taliban cho phép các tổ chức khủng bố được hoạt động và tổ chức các cuộc tấn công vào Ấn Độ, và Taliban phải tuân theo những tuyên bố của mình về vấn đề này.

Với Mỹ, quan điểm của Tổng thống Biden đã rất rõ ràng, nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ đã tấn công ngày 11/9 đã hoàn thành. Mỹ sẽ không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ, khi ở lại và chiến đấu vô thời hạn không vì lợi ích của Mỹ. Điều đó phản ánh sự chuyển hướng chính sách của Mỹ sang ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặt khác, theo ông Biden, ngày nay mối đe dọa khủng bố đã lan rộng, song Mỹ có thể thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố hiệu quả mà không có sự hiện diện quân sự thường xuyên.

Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là nhân vật chính trên "sân khấu ảnh hưởng quyền lực" tại Afghanistan. Một điều rõ ràng là, dù muốn hay không muốn lấp đầy khoảng trống ảnh hưởng ở quốc gia này, nhiều nước vẫn phải can dự vì lợi ích của chính họ. Tất cả còn ở phía trước.