1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Trung cạnh tranh khai thác "kho báu" nghìn tỷ USD tại Afghanistan

Thành Đạt

(Dân trí) - Sau khi Taliban lên nắm quyền, các nước láng giềng của Afghanistan, trong đó có Nga và Trung Quốc, được cho là đang cạnh tranh quyền khai thác lượng dự trữ khoáng sản khổng lồ tại nước này.

Nga - Trung cạnh tranh khai thác kho báu nghìn tỷ USD tại Afghanistan - 1

Một thợ mỏ Afghanistan làm việc bên ngoài một mỏ than ở tỉnh Samangan, phía bắc Kabul năm 2012 (Ảnh: AFP).

Hồi tháng 8, cả Nga và Trung Quốc đều mở cửa đại sứ quán tại thủ đô Kabul, trong khi Mỹ và một số nước khác nhanh chóng rút nhân viên ngoại giao khỏi Afghanistan. Bắc Kinh và Moscow cũng kêu gọi các nước hỗ trợ Afghanistan, đồng thời để ngỏ khả năng công nhận chính quyền Taliban.

Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ trao cho Taliban 31 triệu USD viện trợ khẩn cấp bao gồm thực phẩm và 3 triệu liều vắc xin Covid-19.

Trung Quốc nhận thấy cơ hội khai thác dầu khí tiềm năng và các dự án khai thác mỏ tại Afghanistan. Trong những năm qua, các dự án này bị hủy bỏ hoặc trì hoãn do lo ngại an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và các vấn đề kỹ thuật.

Afghanistan được cho là có trữ lượng khoáng sản trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, bao gồm đồng, sắt, lithium và đất hiếm..., trong đó có những mỏ khoáng sản được xếp vào loại lớn nhất thế giới. Đây đều là những vật liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp sản xuất hiện đại mà nhiều quốc gia trên thế giới khao khát.

Rod Schoonover, người đứng đầu chương trình an ninh sinh thái tại Hội đồng Rủi ro Chiến lược, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết "Taliban hiện nắm trong tay một số khoáng sản chiến lược quan trọng nhất thế giới".

"Với việc Mỹ rút quân, Bắc Kinh có thể mang đến cho Kabul những gì họ cần nhất: sự bình đẳng về chính trị và sự đầu tư về kinh tế. Đổi lại, Afghanistan có những thứ mà Trung Quốc mong muốn nhất: các cơ hội trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp và khả năng tiếp cận các mỏ khoáng sản chưa được khai thác trị giá 1.000 tỷ USD", Bloomberg dẫn lời một cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chương trình trị giá 900 tỷ USD nhằm thiết lập các kênh kết nối giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, chủ yếu thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Afghanistan có giá trị kinh tế và chiến lược to lớn. Trong khi các nhà đầu tư phương Tây né tránh Afghanistan, đặc biệt sau khi Taliban trở lại nắm quyền, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản của Afghanistan.

Nga - Trung cạnh tranh khai thác kho báu nghìn tỷ USD tại Afghanistan - 2

Một lao động địa phương khai thác mỏ đồng Mes Aynak ở Afghanistan năm 2013 (Ảnh: EENews).

Trung Quốc từ lâu đã đẩy mạnh nỗ lực khai thác nguồn khoáng sản tại Afghanistan. Năm 2007, Tập đoàn luyện kim nhà nước Trung Quốc đã trúng thầu gần 3 tỷ USD để phát triển mỏ đồng lớn nhất của Afghanistan, Mes Agnak, với trữ lượng ước tính khoảng 6 triệu tấn.

"Taliban kiểm soát Afghanistan trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu về những kim loại quý hiếm đang thiếu hụt, trong khi Trung Quốc lại cần những tài nguyên này. Trung Quốc đã sẵn sàng hiện diện tại Afghanistan để khai thác những tài nguyên đó", Michael Tanchum, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu chính sách châu Âu và An ninh của Australia, nhận định.

Ngoài Trung Quốc, Nga được cho là cũng đang hướng sự tập trung tới việc thiết lập mối quan hệ với chính quyền Taliban và giúp Afghanistan khai thác các tiềm năng khoáng sản.

Đại sứ Nga tại Kabul Dmitry Zhirnov hồi tháng 8 nói rằng, Taliban sẵn sàng mở cửa để Moscow tham gia vào nền kinh tế Afghanistan, đặc biệt trong việc phát triển các mỏ tài nguyên.

"Tôi nghĩ Taliban quan tâm đến việc xây dựng một biên giới hòa bình với Trung Á để thúc đẩy hoạt động thương mại", ông Zhirnov nhận định.

Nga từ lâu đã "để mắt" đến một số nguồn tài nguyên của Afghanistan, nhưng chính quyền Afghanistan cũ vẫn luôn nghi ngờ về mối quan hệ của Moscow với Taliban.

"Tôi có thể nói rằng ngay bây giờ, có lẽ vì mối quan hệ với Taliban, Nga có thể quan tâm đến lĩnh vực này. Hãy nhớ rằng người Nga là những người đầu tiên khảo sát tất cả các mỏ này vào những năm 1970 khi họ đưa quân vào Afghanistan", Ahmad Shah Katawazai, cựu nhân viên ngoại giao Afghanistan, cho biết.

Trong 20 năm qua, Taliban cũng khai thác một số mỏ khoáng sản tại Afghanistan, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ. Sau khi lên nắm quyền, với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Taliban có thể mở rộng hoạt động khai thác vốn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và công nghệ phức tạp hơn.