1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Taliban gây tranh cãi khi treo thi thể tội phạm nơi công cộng

Thành Đạt

(Dân trí) - Những hình phạt hà khắc của Taliban như treo thi thể tội phạm nơi công cộng đã gây nhiều tranh cãi, sau khi lực lượng này lên nắm quyền tại Afghanistan.

Taliban gây tranh cãi khi treo thi thể tội phạm nơi công cộng - 1

3 thi thể bị Taliban treo lên cần cẩu ở Herat, Afghanistan (Ảnh: Dailymail).

Trong suốt 3 ngày đêm, thi thể của 4 nghi phạm bắt cóc bị Taliban treo lơ lửng trên các cần cẩu ở quảng trường tại thành phố Herat để tất cả người dân có thể nhìn thấy.

"Thật kinh khủng", Ahmad Azizi, 42 tuổi, nói khi đi qua một khu chợ gần nơi treo các thi thể hôm 3/10, một tuần sau vụ hành quyết của Taliban.

"Những ngày đen tối đã quay trở lại. Tôi nhớ lại những ngày đó và tôi hy vọng chúng không quay trở lại", Azizi nói thêm.

Trong khi đó, Daoud Feroz, 24 tuổi, người bán thẻ điện thoại trong một gian hàng gần đó cho biết: "Điều này khiến tôi rất vui".

"Tội phạm đã hoành hành khủng khiếp ở đây quá lâu, và phải có người nào đó ra tay để kiểm soát chúng. Tháng trước, một người đàn ông đã chĩa súng vào đầu tôi và lấy trộm xe máy của tôi. Bây giờ những tên tội phạm sẽ sợ hãi", Feroz nói.

Ngày 5/10, Taliban thực hiện vụ hành quyết công khai thứ 2. Thi thể của 3 nghi phạm trộm cắp cũng bị treo lên cần cẩu ở Obe, tỉnh Herat. Các quan chức Taliban cho biết những nghi phạm này bị giết sau khi đột nhập vào một căn nhà để ăn trộm. Các bức ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy họ bị treo cổ.

Sự hồi sinh của những biện pháp răn đe công khai khắc nghiệt mà chính quyền Taliban từng sử dụng để ngăn chặn tội phạm đường phố vào cuối những năm 1990 đã nhận được sự ủng hộ, nhưng cũng là sự cảnh báo cho cư dân Herat - thành phố cổ với 600.000 dân gần biên giới với Iran, vốn từ lâu được biết đến như một trung tâm nghệ thuật, học thuật và thương mại.

Cho đến nay, chính quyền mới của Taliban vẫn hạn chế thực hiện các hành động cực đoan như vậy ở thủ đô Kabul hoặc các thành phố lớn khác tại Afghanistan. Hiện chưa rõ lý do Herat lại được Taliban chọn để "làm gương".

Các quan chức Taliban ở Herat cho biết họ muốn gửi thông điệp không khoan nhượng và công lý tới những kẻ vi phạm pháp luật, đồng thời ủng hộ các giá trị hiện đại hơn và nền văn hóa đa dạng của Herat.

"Trong 20 năm qua, Afghanistan đã thay đổi và chúng tôi đã thay đổi. Điều duy nhất không thay đổi là luật Hồi giáo Sharia", phó thống đốc Herat, Shir Ahmad Muhajir, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 3/10.

"Chúng tôi muốn phụ nữ làm việc, học tập và đi lại nơi công cộng, miễn là họ có một người đàn ông đi cùng. Chúng tôi muốn ủng hộ về nghệ thuật và văn hóa, đồng thời có quan hệ tốt với tất cả các nhóm", ông Muhajir nói.

Ông Muhajir cho biết vụ hành quyết công khai những kẻ bắt cóc được thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn tội ác. "Kể từ nay, chúng ta không phải đối mặt với những tội phạm như vậy", quan chức Herat nhấn mạnh.

Nhiều người dân Herat đồng ý rằng tội phạm, đặc biệt là những kẻ bắt cóc có tổ chức và cướp bóc có vũ trang, đã trở thành mối đe dọa thường xuyên ở thành phố này, nơi có các hoạt động thương mại và sản xuất xuyên biên giới, cũng như tình trạng tham nhũng của giới quan chức. Một số người cho biết việc bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc đã trở thành một hiện tượng phổ biến tại Herat.

"Tình hình trở nên tồi tệ đến mức nhiều gia đình không cho con cái ra đường. Đây là thực tế", Sardar Badawri, một doanh nhân và là một trong số ít thành viên hội đồng tỉnh Herat không bỏ trốn sau khi Taliban tiếp quản, cho biết.

"Tôi không ủng hộ Taliban, nhưng tôi ủng hộ bất cứ điều gì họ có thể làm để ngăn chặn tội phạm và mang lại an ninh", ông Badawri cho biết.

Tương lai bất định của phụ nữ

Taliban gây tranh cãi khi treo thi thể tội phạm nơi công cộng - 2

Người dân chứng kiến thi thể bị Taliban treo ở quảng trường Herat hồi tháng 9 (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, đối với những người khác, đặc biệt là phụ nữ trẻ và có học thức, nỗi sợ hãi lớn hơn bây giờ là một hình phạt vô hình, khi họ mất quyền thể hiện bản thân hoặc phát triển trí tuệ. Ngay cả khi những người cầm quyền mới của Taliban không nhốt phụ nữ trong nhà của họ, nhiều người vẫn bày tỏ lo sợ rằng họ sẽ chỉ được cho phép làm những việc không thực sự ý nghĩa.

"Họ nói rằng chúng tôi có thể làm việc, nhưng họ chỉ muốn chúng tôi làm những công việc cấp thấp mà họ cần chúng tôi, như trong phòng khám xét ở sân bay hay khu hộ sinh", Suniya, một trong số ít nhà hoạt động nữ, nói với phóng viên.

Những người phụ nữ ở Herat đã bày tỏ nỗi thất vọng của họ gần đây. Một người bị quấy rối tại trạm dừng của cảnh sát vì lái xe một mình, trong khi một người khác bị cấm ra nước ngoài để thi đấu trong một giải đấu thể thao. 2 người đã bị sa thải khỏi các trường đại học hoặc các tổ chức từ thiện nước ngoài.

Mặc dù không bắt buộc phải mặc đồ che kín cả người như dưới thời Taliban trước đây, một số phụ nữ nói rằng họ phẫn nộ khi được yêu cầu ngừng trang điểm hoặc đi giày cao gót.

"Taliban bị ám ảnh bởi việc kiểm soát chúng tôi. Họ hầu hết không biết chữ, vì vậy họ sợ những phụ nữ có học thức, và họ đang sử dụng luật Sharia một cách có chọn lọc để biện minh cho hành động của mình", Manija, người từng làm giáo viên, cho biết.

"Họ nói rằng họ đã thay đổi, nhưng tôi không tin. Chúng tôi (phụ nữ) chiếm một nửa dân số, nhưng bây giờ tương lai của tất cả chúng tôi vẫn không ổn định", Manija nói thêm.