Cô con nuôi người Việt của Tổng thống Pháp Chirac (2)
Tại sao là Anh Đào?
Theo tác giả Anh Đào, từ tháng 7/1979 đến tháng 7/2005 (tức ròng rã 26 năm) bà vẫn không hiểu tại sao ông Chirac nhận bà làm con nuôi.
Tính đến tháng 7 năm ngoái, hai ông bà Chirac không hề nhắc tới hay giải thích lý do Báo giới Pháp có một phiên bản khác về câu chuyện một ông thị trưởng vốn rất kỹ tính đột nhiên nhận một cô gái di dân lạ hoắc đem về nhà làm con nuôi và yêu thương như con gái ruột.
Còn nhớ hay đã quên?
Theo nhật báo Le Monde, trước khi được ông bà Chirac nhận làm con nuôi, người được phân công nuôi Anh Đào là ông Bernard Billau, cựu chánh văn phòng tòa thị chính đồng thời là cố vấn của thị trưởng Chirac về các vấn đề tôn giáo. Trợ lý của ông Billau trong vấn đề nhận con nuôi là nhà báo Pierre Darcourt, chuyên viết các đề tài quân sự trên tờ Figaro. Darcourt cũng là một trong những người phiên dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp, bởi cô Anh Đào lúc bấy giờ không biết tiếng Pháp đến nửa chữ.
Vận may của Anh Đào, theo Le Monde, là nhờ sự bất cập của hệ thống hành chính. Thật vậy, trên lý thuyết, cô Anh Đào không thuộc diện con nuôi của người Pháp vì không có người bảo lãnh cô ở Pháp. Vì vậy, trước khi làm thủ tục nhận cô Anh Đào làm con nuôi, ông Billau phải hỏi ý kiến ông thị trưởng Chirac. Nghe xong, ông bà Chirac phán: “Nhà của Billau quá nhỏ, chúng ta sẽ nhận cô ta về tòa thị chính”.
Đó là ít nhất một trong những nguyên nhân biến Anh Đào thành cô bé lọ lem trong thế kỷ 20. Cũng theo Le Monde, bà Anh Đào cũng biết chuyện đó nhưng rất lạ không hề nhắc tới người suýt làm cha nuôi (chỉ có nêu cái tên hết sức khiêm tốn trong phần cảm tạ) trong quyển tự truyện của mình. Tuy nhiên, khi sinh con đầu lòng, bà Anh Đào đặt tên Bernard (của Bernard Billau) để bày tỏ lòng biết ơn. Vậy thì trong bản thảo đầu tiên, bà có nhắc tới người có lòng muốn nhận mình làm con nuôi không? Theo Le Monde có lẽ có nhưng đã bị kiểm duyệt vì sau này ông Billau có viết một cuốn sách chỉ trích ông Chirac khá nặng.
Tuy nhiên, bà Anh Đào đã cực lực phủ nhận tin đồn ông Chirac kiểm duyệt sách của bà trước khi cho in và thời điểm phát hành quyển tự truyện của bà không nằm trong chiến dịch truyền thông nhằm đánh bóng hình ảnh Tổng thống Chirac.
Nước mắt làm nên chuyện thần kỳ
Trong phần kết truyện La fille de coeur, bà Anh Đào viết: “Thật sự mà nói, chuyện gì đã xảy ra vào ngày tôi đến sân bay Roissy? Tại sao lại là tôi? Ông Chirac và tôi không hề nhắc lại chuyện này cho đến tháng 7/2005. Lời giải thích của ông thật rõ ràng:
- Con là người duy nhất khóc lớn vì vậy ta đã đến với con.
Ngày 19/7/1979 ấy, ông (Chirac) thấy một đứa con gái tuổi bằng con gái ông (người ta độ tuổi tôi vào khoảng 15-16 trong khi thật tình sắp tròn 22 tuổi) rơi vào buồn tủi não nề khiến con tim của một người cha lay động.
Với địa vị mà ông đang giữ lúc bấy giờ, không có gì dễ dàng hơn là yêu cầu một thành viên trong hội đồng đô thành lo gửi tôi vào một gia đình thích có con nuôi nào đó được các tổ chức xã hội công nhận là tốt và theo dõi cuộc sống của tôi từ xa. Bấy nhiêu đó thôi cũng là nhiều rồi. Thế nhưng, đối với một con người có lòng xác tín và tài năng như ông, bấy nhiêu đó chưa đủ. Do đó, trong vòng 10 giây, ông đã có một quyết định hào hiệp nhất: Đón nhận một cô gái lạ, lại là người nước ngoài, vào gia đình mình.
Đó cũng là một quyết định can đảm nhất vì có thể tôi sẽ không được hoan nghênh tại nhà. Bà vợ sẽ phản ứng như thế nào nếu không phải là một người đặc biệt như Bernadette Chirac? Nếu những đứa con gái ích kỷ và kém thông minh hơn Laurence và Claude? Ai cũng biết tấm lòng sùng đạo của bà Chirac, nhưng tôi biết có nhiều tín đồ Công giáo rất ngoan đạo nhưng không bao giờ có lòng nhân từ đến mức ấy (...).
Cuộc gặp bà Chirac lần đầu tiên tạo một ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ đối với Anh Đào. Bà kể lại: “(Ông Chirac giới thiệu với vợ) – Đến đây Bernadette! Đây là Anh Đào”.
Bà Chirac ôm tôi vào lòng hôn. Tôi khóc. Bà cũng khóc. Nước mắt chúng tôi hòa với nhau. Trái tim tôi vốn đóng kín từ nhiều tháng nay, giờ mở ra thật to. Jacques và Bernadette Chirac vào ngự trong đó và sẽ ở trong đó đến ngày tôi trút hơi thở cuối cùng”.
Theo Thảo Hương
Người lao động