Cô con nuôi người Việt của Tổng thống Pháp Chirac (3)
Xứ sở thần tiên cũng có nước mắt
Điều mà Anh Đào lo sợ nhất là không biết sẽ được 2 cô con gái của ông bà Chirac đón tiếp ra sao. Lạnh lùng, thương hại hay niềm nở?
Trong chương Lâu đài của cha mẹ tôi, Anh Đào kể lại chuyến đi về tỉnh Corrèze, nơi có một lâu đài của ông bà Chirac, cách Paris 8 giờ xe hơi. Bà Chirac tự lái chiếc Peugeot màu hột gà chở Anh Đào và 2 chú chó cưng Ussel và Jasmin. Lâu đài Bity của ông bà Chirac – đối với Anh Đào - giống như các lâu đài trong truyện cổ tích, đồ sộ và nguy nga.
Laurence Anh Đào nhớ lại:
“Chuyến đi của tôi có thể đặt cái tên “Anh Đào ở xứ sở thần tiên”.
Bà Bernadette vừa mở cửa xe lập tức từ trong lâu đài có 2 thiếu nữ chạy ra kêu to:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Bà giới thiệu tôi với họ. Claude (cô gái út) ôm hôn tôi ân cần:
- Chào Anh Đào, mừng chị đến Bity. Chị biết không, cha tôi nói với chúng tôi về chị nhiều.
Kế đó, Laurence (chị của Claude) cũng đến hôn tôi. Ngay lập tức tôi thấy Laurence có vẻ kín đáo hơn”.
Tổng thống Jacques Chirac có 2 cô con gái mà ông rất yêu quý đồng thời cũng làm cho ông khá đau đầu, nhất là Laurence. Người con gái này không ít lần làm cho ông mất ăn mất ngủ. Từ bé, Laurence mắc chứng biếng ăn, không một liệu pháp nào chữa được. Điều này khiến cho Laurence suy sụp về thể xác lẫn tinh thần.
Ngay trong những ngày đầu sống chung với những thành viên của gia đình Chirac, Anh Đào từng chứng kiến bi kịch nói trên trong lâu đài Bity.
“Một buổi sáng, tôi ngạc nhiên không thấy Laurence xuống nhà dưới. Giờ ăn trưa cũng không thấy nốt. Không khí bữa ăn không bình thường, ít người trò chuyện. Ông (Chirac) không vui vẻ như mọi ngày. Những nếp nhăn mà bình thường tôi chưa hề thấy lộ rõ trên vầng trán và kéo hai khóe miệng của ông xuống. Hai mắt bà Chirac đỏ hoe, da mặt hơi tái. Người bà căng thẳng và thỉnh thoảng môi bà hơi rung. Tôi không dám hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi linh cảm có cái gì đó không bình thường.
Buổi chiều, thừa lúc Martine (bạn của Laurence) ngồi một mình trong vườn, tôi lân la đến hỏi lý do vắng mặt bất thường của Laurence. Martine cho tôi biết Laurence uống quá nhiều thuốc vào đêm hôm trước và đó không phải là lần đầu tiên. Cũng may Martine ngủ chung một phòng với Laurence nên đã kịp báo cho ông bà Chirac. Thầy thuốc đến súc ruột cho Laurence”.
Thiếu vắng cha
Laurence từng là đề tài bàn luận trên các báo Pháp. Theo tờ Le Nouvel Observateur, Laurence đích thực là con gái rượu của ông Chirac nhưng cũng là người ít ai biết nhất. Cô sinh tại Paris ngày 4/3/1958 (bằng tuổi Anh Đào). Những người biết rõ cô nhận xét đó là một cô gái thông minh. Dù mắc chứng bệnh quái ác, cô thi đậu bằng tú tài loại giỏi và theo học đại học y khoa.
Trong chương viết riêng về Laurence, Anh Đào kể: “Laurence thường chờ kêu năm lần bảy lượt mới xuống ăn. Có khi đích thân cha vào tận phòng dẫn Laurence ra bàn. Tôi hay quan sát ánh mắt của ông bà Chirac chăm chú nhìn thức ăn trong dĩa của Laurence, thường có ít thức ăn vậy mà lúc nào cũng thừa ra. Tuy không nói gì nhưng vẻ lo âu quá rõ ràng. Có một lần tôi thấy ông Chirac, vốn bình thường là một người vui vẻ, đã nổi giận trong một bữa ăn trưa khi Laurence gần như không ăn gì cả. Bà Bernadette nhiều lần nhắc nhở nhưng vô ích. Ông Chirac trừng mắt cũng không ăn thua. Ông cố nhịn một một lúc, mặt ông đỏ ửng rồi ông quát:
- Con có chịu ăn không thì bảo?
Ông bà Chirac không bao giờ đề cập tới bệnh tình của Laurence dù trước mặt hay sau lưng con. Đó là nỗi bất hạnh và bí mật mà cả hai âm thầm chịu đựng”.
Theo Anh Đào, chứng biếng ăn không chỉ là nỗi khổ duy nhất trong lòng. Laurence còn khao khát sự chăm sóc của cha. Ông Chirac rất yêu Laurence nhưng ông quá bận bịu với sự nghiệp chính trị nên ít có dịp gần gũi con. Laurence nhiều lần tìm đến cái chết nhưng không thành. Ngày 13/4/1990, trong một lần nằm viện để chữa bệnh, lợi dụng sự lơi lỏng của y tá, Laurence gieo mình từ lầu 4 xuống đất nhưng không chết. Lúc đó, ông bà Chirac đi nghỉ mát ở Phuket (Thái Lan). Đó là lần đầu tiên dân chúng Pháp biết chuyện qua hãng tin AFP. Bởi 15 năm sau, bà Bernadette mới chính thức nói ra nỗi khổ này của bà và ông Chirac.
Theo Thảo Hương
Người lao động