1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự nghiệp chính trị bão tố cựu Thủ tướng Bhutto

(Dân trí) - Bà Benazir Bhutto theo bước chân của cha bước vào con đường chính trị và cả hai đều chết vì nó. Phụ thân của bà bị hành quyết năm 1979 và bà trở thành nạn nhân của một vụ đánh bom liều chết đẫm máu một ngày gần cuối năm.

Hai anh trai của bà Bhutto cũng là nạn nhân của những vụ giết người hung bạo.

 

Cũng giống như gia đình Nehru-Gandhi tại Ấn Độ, gia đình Bhutto tại Pakistan là một trong những triều đại chính trị nổi tiếng nhất thế giới. Cha bà Bhutto, ông Zulfikar Ali Bhutto, là Thủ tướng của Pakistan vào đầu những năm 1970. Chính phủ của ông là một trong số ít các chính phủ không do quân đội điều hành trong suốt 30 năm kể từ khi độc lập.

 

Bà Bhutto sinh năm 1953 tại tỉnh Sindh miền nam Pakistan. Từng theo học tại 2 đại học danh tiếng nhất thế giới là Harvard (Mỹ) và Oxford (Anh), bà Bhutto đã giành được sự tín nhiệm nhờ vào danh tiếng của người cha dù bà miễn cưỡng chuyển sang lĩnh vực chính trị.

 

Kiên quyết và cứng cỏi

 

Bà Bhutto từng 2 lần nắm giữ cương vị thủ tướng của Pakistan, từ năm 1988-1990 và từ năm 1993-1996. Nhưng cả hai lần này, bà đều bị tổng thống sa thải vì những lời buộc tội tham nhũng.

 

Hai lần sa thải là ví dụ điển hình cho sự nghiệp chính trị đầy bão tố của bà Bhutto, lúc thăng lúc trầm. Vào thời điểm sự ủng hộ dành cho bà Bhutto lên cao sau khi đắc cử thủ tướng lần đầu tiên, bà Bhutto được đánh giá là một trong những nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.

 

Sự nghiệp chính trị bão tố cựu Thủ tướng Bhutto - 1
 Bà Benazir Bhutto cùng các con (từ trái qua phải) Bilawal, Itty và Asifa tại Anh năm 1999.
 

Trẻ trung và xinh đẹp, bà đã thành công khi tạo cho chính mình một hình ảnh đối lập hoàn toàn với chính trường do phái nam thống lĩnh. Nhưng sau lần thứ hai bị sa thải khỏi vị trí quyền lực, tên tuổi của bà được nhiều người gắn với một chính phủ tồi tệ và tham nhũng.

 

Bà Bhutto lần đầu tiên được biết tới là người có tính cách kiên quyết và cứng cỏi khi cha bà bị bắt và bị Tướng Zia ul-Haq buộc tội giết người vào năm 1977 sau một cuộc đảo chính quân sự. 2 năm sau đó, ông bị hành quyết.

 

Bà Bhutto cũng bị bỏ tù ngay trước cái chết của cha bà và trải qua gần 5 năm trong nhà lao. Benazir Bhutto đã miêu tả những tháng ngày trong tù là vô cùng khắc nghiệt. Trong những lần được ra khỏi tù để chữa bệnh, bà Bhutto đã tranh thủ thành lập văn phòng của đảng Nhân dân Pakistan tại London và bắt đầu một chiến dịch tranh cử chống lại Tướng Zia ul-Haq.

 

Năm 1986, bà Bhutto trở về Pakistan và lôi kéo nhiều đám đông lớn tham gia các cuộc tuần hành chính trị.

 

Sau khi Tướng Zia qua đời trong một vụ nổ trên chiếc máy bay của ông năm 1988, bà trở thành nữ thủ tướng được bầu cử dân chủ đầu tiên tại một quốc gia Hồi giáo.

 

Cáo buộc tham nhũng

 

Trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, người chồng của bà Bhutto, ông Asif Zardari luôn gây ra những tranh cãi gay gắt. Ông từng đóng một vai trò quan trọng trong cả 2 nhiệm kỳ của vợ và đã bị chính phủ Pakistan các nhiệm kỳ khác nhau cáo buộc biển thủ hàng triệu USD từ công quĩ quốc gia. Ông Zardari và chính bà Bhutto kiên quyết phủ nhận những cáo buộc này.

 

Sự nghiệp chính trị bão tố cựu Thủ tướng Bhutto - 2
Bà Bhutto và chồng, ông Zardari năm 1990.

 

Nhiều nhà bình luận cho rằng sự đi xuống của chính phủ bà Bhutto đã bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc đối với chồng bà. Sau 10 năm, khoảng 18 lời buộc tội chống lại ông Zardari đều không được chứng minh trước toà mặc dù ông vẫn phải ngồi tù 8 năm. Zardari được trả tự do năm 2004 khi những lời buộc tội chống lại ông yếu dần và không đi tới đâu.

 

Bà Bhutto cũng khăng khăng phủ nhận các cáo buộc tham nhũng chống lại bà và cho rằng việc bà bị buộc tội mang động cơ chính trị. Bà Bhutto đối mặt với ít nhất 5 vụ cáo buộc tham nhũng nhưng không bị kết tội cho tới khi được ân xá vào tháng 10/2007.

 

Hồi năm 1999, bà từng bị kết tội vì không có mặt tại toà nhưng sau đó Toà án Tối cao đã huỷ bỏ phán quyết này sau khi phát hiện ra các bằng chứng cho thấy toà án bị sức ép từ Thủ tướng lúc đó là ông Nawaz Sharif.

 

Cựu thủ tướng Bhutto đã rời Pakistan năm 1999 để sống lưu vong nhưng những nghi ngờ liên quan tới bà và tài sản của chồng bà vẫn đeo đẳng. Bà Bhutto cũng từng kháng án chống lạị phán quyết của toà án Thuỵ Sĩ về tội rửa tiền.

 

Trong những năm sống ở nước ngoài, bà Bhutto đã sống cùng với 3 con tại Dubai nơi bà được đoàn tụ cùng chồng sau khi ông Asif Zardari được thả năm 2004. Bà còn thường xuyên tới thăm các nước phương Tây, diến thuyết tại các trường đại học, gặp gỡ quan chức chính phủ các nước.

 

Bà Bhutto trở về Pakistan vào ngày 18/10 sau khi Tổng thống Musharraf ký sắc lệnh ân xá cho bà và những người khác khỏi những loài buộc tội tham nhũng.

 

Trong những tháng trước khi qua đời, bà Bhutto đã nổi lên là một đối thủ mạnh cho vị trí quyền lực. Các quốc gia phương Tây coi bà Bhutto là một nhà lãnh đạo uy tín, người có thể mang lại nhiều tính hợp pháp cần thiết cho vai trò của ông Musharraf trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Một gia đình bất hạnh

 

Benazir Bhutto là người cuối cùng kế thừa di sản chính trị của người cha quá cố. Anh trai bà, Murtaza - người cũng được kỳ vọng sẽ giữ vai trò lãnh đạo đảng PPP - đã chạy sang Afghanistan sau khi phụ thân mất quyền lực.

 

Từ Afghanistan và nhiều nước Trung Đông, ông Murtaza đã tổ chức một chiến dịch chống lại chính phủ quân đội của Pakistan cùng với một nhóm chiến binh có tên là al-Zulfikar.

 

Từ nơi sống lưu vong, ông đắc cử năm 1993 trở thành nhà lập pháp địa phương và hồi hương ngay sau đó. Tuy nhiên, ông đã bị bắn trong một hoàn cảnh bí ẩn năm 1996.

 

Một người anh trai khác của bà Bhutto là Shahnawaz cũng hoạt động chính trị tích cực nhưng theo cách ít bạo lực ông Murtaza. Thi thể của ông Shahnawaz được phát hiện tại căn hộ của ông tại Pháp năm 1985.

 

VTH

Theo BBC