"Sóng ngầm" giữa Tổng thống Trump và Thị trưởng Washington
(Dân trí) - Cuộc tranh cãi giữa Thị trưởng Washington và Tổng thống Donald Trump ngày càng căng thẳng liên quan tới việc kiểm soát các tuyến đường tại thủ đô của Mỹ trong lúc các cuộc biểu tình vẫn diễn ra.
Một quan chức quân đội Mỹ đã gửi thư tới văn phòng của Thị trưởng Washington D.C Muriel E. Bowser vào chiều 3/6, xin ý kiến chỉ đạo dành cho Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ về việc xác định “các giới hạn về tuyến đường” đối với hoạt động di chuyển của các “phương tiện chiến thuật” và “lực lượng quân sự” từ căn cứ Fort Belvoir, bang Virginia tới Washington D.C nhằm hỗ trợ thành phố này trong chiến dịch chống bạo động.
Đối với các trợ lý của bà Bowser, đề nghị này đã đánh dấu sự gia tăng về lực lượng quân sự do Tổng thống Trump dàn xếp trong những ngày vừa qua nhằm dập tắt các cuộc bạo loạn quy mô lớn trên các tuyến đường gần Nhà Trắng. Các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của công dân da màu George Floyd - người bị cảnh sát ghì đầu đến chết hôm 25/5.
Theo Washington Post, việc triển khai rầm rộ lực lượng an ninh tại Washington D.C được cho là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn, sẵn sàng thiết lập “luật pháp và trật tự” nếu các lãnh đạo địa phương không mạnh tay với bạo loạn.
Vài ngày trước, Tổng thống Trump từng chỉ trích Thị trưởng Bowser trên Twitter khi bà từ chối cho phép cảnh sát Washington D.C hỗ trợ chiến dịch kiểm soát đám đông biểu tình tại quảng trường Lafayette.
“Lần gần đây nhất họ yêu cầu chúng tôi chuẩn bị để đưa xe tăng vào thành phố này là vào dịp Quốc khánh 4/7. Chúng tôi không muốn chuyện đó lại xảy ra”, một quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Theo Reuters, ngoài lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát của thành phố, thủ đô Washington đang có thêm khoảng 3.300 vệ binh quốc gia được huy động từ nhiều bang khác như Florida, Indiana, Maryland, Missouri, Mississippi, New Jersey, Ohio, South Carolina, Tennessee và Utah để hỗ trợ an ninh.
Căng thẳng Tổng thống và Thị trưởng
Các kế hoạch triển khai quân đội tại Washington D.C càng làm gia tăng sự căng thẳng và khoét sâu thêm tâm lý ngờ vực giữa Thị trưởng Bowser và Tổng thống Trump - người không mấy gắn bó với thành phố này và cũng không thiết lập mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo của thành phố.
Để đối phó với tình trạng bạo loạn, bà Bowser nhìn chung ủng hộ cảnh sát Washington D.C - lực lượng được huấn luyện nhiều hơn và có kinh nghiệm hơn cảnh sát tại các thành phố khác trong việc kiểm soát các cuộc biểu tình quy mô lớn, vốn thường xuyên diễn ra tại thủ đô của Mỹ. Bà cũng cố gắng để cân bằng giữa việc ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa và việc đối phó mạnh tay với các đối tượng cướp phá cửa hàng.
Trong cuộc họp báo ngày 4/6, Thị trưởng Bowser cho biết bà quan ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng an ninh liên bang tại Washington, đồng thời bày tỏ mong muốn lực lượng quân đội được huy động từ các bang khác rời khỏi Washington. Thị trưởng Boser cũng lo ngại việc chính quyền Trump mở rộng hàng rào an ninh bên ngoài Nhà Trắng để khoanh vùng quảng trường Lafayette, nơi nằm gần khu vực dân cư. Tuy nhiên, thẩm quyền của bà bị hạn chế.
Trong một bình luận trên Twitter, bà Bowser “mỉa mai” ông Trump ẩn nấp “phía sau hàng rào của mình” một cách sợ hãi và đơn độc. “Có một người đang hoảng sợ”, Thị trưởng Washington bình luận.
Theo Reuters, tình hình an ninh tại Washington trở nên phức tạp vì chính quyền thủ đô không có quyền tự chủ đầy đủ như các bang khác - những nơi thống đốc là người chịu trách nhiệm chính về an ninh. Người dân Washington vẫn đóng thuế liên bang, nhưng họ không có đại diện tại Quốc hội, và chính quyền liên bang có thể ra các quyết định “vượt mặt” chính quyền thủ đô trong những tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn. Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Washington D.C báo cáo trực tiếp cho Tổng thống Trump, không thông qua chính quyền thủ đô, trong khi Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại những nơi khác báo cáo cho thống đốc bang.
Các trợ lý của ông Trump cũng công kích bà Bowser. Trên kênh Fox News tuần này, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany chỉ trích “những hành động thiếu sáng suốt” của Thị trưởng Washington, chẳng hạn quyết định thực thi lệnh giới nghiêm 23h hôm 31/5 là “chưa đủ cứng rắn”. Một vụ đốt phá đã xảy ra tại nhà thờ St. Johns gần Nhà Trắng trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu.
Thị trưởng Bowser sau đó đã kêu gọi lệnh giới nghiêm 19h vào ngày 1/6 và 2/6.
“Không may là, Thị trưởng (Washington) không sớm thể hiện vai trò lãnh đạo để bảo đảm các cuộc biểu tình ôn hòa và ngăn chặn các vụ bạo loạn như vụ đốt phá nhà thờ St. Johns, làm mất hình ảnh các tượng đài quốc gia và phá hủy các cơ sở xét nghiệm Covid-19, buộc tổng thống phải có hành động cần thiết để thiết lập luật pháp và trật tự”, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump và Thị trưởng Bowser đã cho thấy những hình ảnh trái ngược nhau trong những lần xuất hiện trước công chúng. Vào buổi sáng sau khi xảy ra vụ cháy nhà thờ, bà Bowser xuất hiện tại quảng trường Lafayette để thị sát tình hình thiệt hại và trao đổi với các phóng viên. Vào buổi tối, Tổng thống Trump đi bộ từ Nhà Trắng tới nhà thờ St. Johns, trong khi cảnh sát được chỉ đạo dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông biểu tình tại công viên Lafayette nhằm dọn đường cho nhà lãnh đạo.
Thay vì vào bên trong, ông Trump chỉ chụp những bức ảnh cầm kinh thánh trước nhà thờ. Trong khi đó, bà Bowser và những người biểu tình cùng nhau cầu nguyện.
Khác với các tổng thống tiền nhiệm, ông Trump được cho là không mấy mặn mà với Washington. Vào những ngày cuối tuần, ông thường rời khỏi thủ đô để đến khu nghỉ dưỡng của ông tại các bang Florida, Virginia và New Jersey. Ông Trump cũng ít khi đến thăm các trường học hay ăn tại các nhà hàng trong thành phố, ngoại trừ nhà hàng bên trong khách sạn Trump - nơi cách Nhà Trắng vài tòa nhà.
“Tổng thống Obama, người có mối quan hệ rất gần gũi với thành phố, sẵn sàng tới các nhà hàng và đi bộ mà không cần sử dụng hơi cay hay đạn dược bên ngoài Nhà Trắng”, Bo Shuff, giám đốc điều hành D.C. Vote, cho biết.
Thành Đạt
Theo WP, Reuters