1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 2)

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Khi đang hoạt động tại Nhật Bản, nhà tình báo Liên Xô Richard Sorge đã bị bắt và bị treo cổ. Ở quê nhà, vợ ông cũng bị bắt do những lời vu oan và qua đời trong tù.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 2) - 1

Điệp viên Liên Xô Richard Sorge (Ảnh: Getty).

Thiên tài tình báo

Trong mạng lưới của Richard Sorge có khoảng 160 người. Họ là các bộ trưởng, giới quân sự, các nhà công nghiệp và các nguồn khác đã vô tình chia sẻ với Richard những thông tin rất có giá trị cho tình báo Liên Xô.

Hết ngày này qua ngày khác, Richard đã thiết lập một nhóm điệp viên rộng khắp, theo nhiều nguồn tin, bao gồm từ 15 đến 38 người.

Nhóm của Richard không có yêu cầu trợ cấp đặc biệt từ cơ quan tình báo Liên Xô - tất cả các thành viên của nhóm Richard đều có thể tự kiếm được tiền kha khá.

Nhân viên điện đài Max Clausen đặc biệt thành công - ông đã mở một công ty chuyên sản xuất các bản sao tài liệu và công ty này đã trở nên phổ biến đối với người Nhật. Vì vậy, trong toàn bộ thời gian hoạt động của nhóm Richard, chỉ có 40.000 USD được tình báo Liên Xô phân bổ.

Nhà báo Hotsumi Ozaki đã trở thành người thân cận của Richard. Ozaki là một người quen cũ mà nhà tình báo Liên Xô tìm kiếm ngay sau khi đến Nhật Bản. Vào năm 1938, Ozaki trở thành cố vấn không chính thức cho người bạn học cũ của ông, Thủ tướng Nhật, Hoàng tử Fumimaro Konoe.

Richard nhận tất cả thông tin kỹ thuật từ Matxcơva thông qua các liên lạc viên. Nhà tình báo đã tổ chức cả một hệ thống các ký hiệu quy ước: chẳng hạn, để nhận ra nhau, người nhận tin và người chuyển tin phải đồng thời châm điếu thuốc hoặc mang theo những cuộn giấy có màu sắc nhất định đến chỗ hẹn. Richard còn sử dụng nơi gặp gỡ trong một nhà hàng nhỏ ở Tokyo, nơi không có người nước ngoài lui tới.

Người liên lạc, trong vai là một vị khách đến muộn, phải gọi một món ăn đặc trưng của Nhật Bản. Người được Richard cử đến nói chuyện với người liên lạc về điều này, ví dụ như hỏi xem món này có ngọt không... Sau khi trao đổi mật khẩu đã được thỏa thuận từ trước, họ phải thỏa thuận về việc chuyển giao tài liệu.

Hoạt động của nhóm Richard chủ yếu nhằm hướng đến việc ngăn chặn chiến tranh giữa Nhật Bản và Liên Xô. Ngoài ra, Richard còn the dõi trạng thái quân sự của Đức và đồng minh. Trong tay ông là những thông tin quan trọng về sản xuất động cơ máy bay, luyện kim màu và công nghiệp hóa chất ở Nhật Bản. Các bức điện tín sau khi mật mã hóa lần lượt được gửi về Matxcơva - tất cả thông tin gửi về đều được Richard đích thân phân tích kỹ lưỡng.

Một số bức điện vô tuyến đã bị các nhân viên phản gián tóm được, nhưng người Nhật không thể hiểu được chúng, vì để biên soạn các báo cáo, Richard đã sử dụng niên giám thống kê của Đế chế Đức và liên tục thay đổi mã. Các nhân viên phản gián cũng không biết rằng những dấu chấm thông thường ở cuối các bức thư gửi về Liên Xô thực ra là những bức ảnh vi mô, được các chuyên gia trong nhóm Richard đặt vào các bức thư một cách khéo léo.

"Nhóm do Richard Sorge đứng đầu đã làm nên những điều kỳ diệu... Bắt đầu từ con số không, tại một đất nước mà ông có khái niệm một cách mơ hồ nhất, Richard đã quản lý để tạo ra một tổ chức tuyệt vời nhất mà cơ quan phản gián Nhật Bản từng gặp phải", Thiếu tướng Charles A. Willoughby, Cục trưởng Cục Tình báo Mỹ ở Viễn Đông và Tây Nam Thái Bình Dương, nhận xét về điệp viên Liên Xô.

Mặc dù công việc của Richard được giới lãnh đạo Liên Xô đánh giá cao, nhưng theo một số nguồn tin, vào năm 1937-1938, họ muốn triệu hồi ông về Mátxcơva. Vào thời điểm này, giai đoạn "làm trong sạch bộ máy" bắt đầu trên đất nước Liên Xô. Một số người nghi ngờ Richard thông đồng với Đức Quốc xã để bắt đầu gửi những thông tin sai lệch cho tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, Richard đã linh cảm thấy có điều gì đó không ổn, nên đã thẳng thừng từ chối thực hiện các yêu cầu của nhà chức trách, sau khi gửi đi một bức điện tín.

"Căn cứ vào tình hình đang diễn ra, tôi thấy khó có khả năng rời Nhật Bản, thậm chí là trong một thời gian ngắn", bức điện tín của Richard Sorge có đoạn viết.

Tuy nhiên, theo một giả thuyết khác, không ai nghi ngờ Richard có quan hệ với người Nhật. Hơn nữa, chính ông cũng xin được phép trở lại Liên Xô, nhưng lần nào cũng bị từ chối bởi người ta không thể tìm được một sĩ quan tình báo nào có kỹ năng và khả năng làm việc tại Nhật Bản như ông.

"Số vết sẹo tăng lên, còn số răng lại giảm"

Vào tháng 6/1938, để trốn chạy "cuộc trong sạch hóa" tại Liên Xô, Trưởng phòng Dân ủy Nội vụ Viễn Đông, Ủy viên An ninh Quốc gia Genrikh Lyushkov đã chạy trốn sang Nhật Bản. Sau khi cảm thấy đã an toàn, Lyushkov ngay lập tức cung cấp cho người Đức và Nhật Bản tất cả các thông tin tình báo, mật mã và những thông tin mà ông ta có trong tay về các đơn vị quân đội Liên Xô ở Viễn Đông.

Vào thời điểm đó, Richard đã trở thành thư ký báo chí của Đại sứ quán Đức. Theo ông, "kho thông tin tổng hợp lớn, kiến thức sâu rộng về Trung Quốc và nghiên cứu chi tiết về Nhật Bản" đóng vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm này.

"Nếu tôi sống trong một môi trường xã hội và chính trị hòa bình, có lẽ tôi sẽ trở thành một nhà khoa học, và chắc chắn tôi sẽ không trở thành một sỹ quan tình báo", Richard Sorge từng nói.

Cương vị mới cho phép Richard tiếp cận thông tin mật, vì vậy trong tay ông có tất cả các tài liệu có lời khai của Lyushkov. Ông đã chụp lại tất cả các trang tài liệu và gửi hình ảnh cho tình báo Nga. Sau khi kiểm tra dữ liệu, ban lãnh đạo Liên Xô đã khẩn trương thay đổi tất cả các bảng mật mã, bằng cách đó làm giảm giá trị hầu hết thông tin từ Lyushkov.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 2) - 2

Thẻ thư ký báo chí của Richard Sorge do Đại sứ quán Đức tại Nhật Bản cấp (Ảnh: Diomedia).

Cũng trong năm 1938, sứ mệnh của Richard và tính mạng của ông bị đe dọa nghiêm trọng. Chiếc mô tô của Richard bị mất lái và ông gặp tai nạn.

Vấn đề phức tạp ở chỗ Richard mang theo người tài liệu mật và một số tiền khá lớn bằng USD.

May mắn thay, khi bị tai nạn, Richard bị chấn thương và gãy xương hàm, không bất tỉnh nên đã kịp bí mật giao giấy tờ và tiền mặt cho Max Klausen, nhân viên mật mã của nhóm, người đã nhanh chóng lao đến bệnh viện.

Không chần chừ một phút, Klausen lại lao thật nhanh đến căn hộ của Richard, và trước khi có sự xuất hiện của các nhân viên đại sứ quán Đức, anh đã lấy và cất giấu tất cả các tài liệu có thể buộc tội Richard. Richard không muốn nói về những gì đã xảy ra và trong những bức thư gửi cho vợ ông đã nhắc đến vụ tai nạn một cách hài hước.

"Anh bị tai nạn, sau đó phải nằm viện mất vài tháng... Anh không còn đẹp trai như trước. Có thêm một số vết sẹo, còn số lượng răng lại giảm đáng kể... Tất cả những điều này là kết quả của một cú ngã xe máy. Bây giờ thì anh trông giống một hiệp sĩ rách nát hơn", Richard Sorge viết trong một bức thư gửi vợ.

"Khi còn chiến tranh, tôi sẽ ở lại vị trí của mình"

Năm 1939, Richard chuyển cho Trung tâm tình báo Liên Xô thông tin về cuộc xâm lược Mông Cổ của quân Nhật sắp xảy ra. Nhóm của Richard đã nắm được thông tin về việc chuyển quân của quân Nhật, số lượng thiết bị quân sự, vị trí của các sân bay Nhật ở biên giới, chi tiết về kế hoạch cho trận chiến sắp tới ở Khalkhin Gol. Cuộc tấn công vào Mông Cổ cuối cùng đã bị đẩy lùi thành công.

Cùng với các sĩ quan tình báo khác, Richard liên tục cảnh báo giới lãnh đạo Liên Xô về cuộc tấn công sắp xảy ra của Đức. Đồng thời, Richard đã thông báo về các ngày chuẩn bị tấn công khác nhau theo kế hoạch: lúc đầu là vào khoảng tháng 3/1941, sau đó là khoảng cuối tháng 5. Dự đoán chính xác nhất của Richard về thời điểm tấn công của Đức Quốc xã là vào khoảng nửa cuối tháng 6/1941, nhưng dự báo này đã bị bỏ qua mà không được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, thông báo của Richard rằng Nhật Bản dự định sẽ tập trung lực lượng chống lại Đông Nam Á và không tấn công Liên Xô ít nhất là cho đến đầu năm 1942 đã được tiếp nhận một cách nghiêm túc. Một bức điện quan trọng được gửi đi vào ngày 14/9/1941, khi quân Đức tiến ngày càng gần Matxcơva.

Sau khi tiếp nhận các dữ liệu mà sĩ quan tình báo gửi về, ban lãnh đạo Liên Xô đã chuyển số quân dự bị (tổng cộng 26 sư đoàn) từ Viễn Đông và từ Siberia về để phòng thủ thủ đô.

Ngoài ra, Richard còn đưa ra thông báo giả cho quân Đức về số lượng quân đội Liên Xô tại các khu vực này. Matxcơva cuối cùng đã được bảo vệ - chiến dịch Typhoon của quân phát xít Đức đã bị sụp đổ.

Công việc đầy khó khăn đã khiến Richard mất nhiều năng lượng. Theo hồi ức của nhà tình báo, có lần, ông tỉnh dậy trong một căn phòng khách sạn và vì quá mệt mỏi, ông không thể nhớ được mình cần phải dùng ngôn ngữ nào. Trong các tin nhắn của mình, Richard một lần nữa lại yêu cầu được trở về Matxcơva.

"Tôi đã thông báo với các đồng chí rằng chừng nào chiến tranh ở châu Âu vẫn còn tiếp diễn, tôi sẽ ở lại vị trí của mình. Nhưng tôi có thể mong đợi được trở về nhà sau khi chiến tranh kết thúc không? Tôi đã bước sang tuổi 45, và làm công việc này đã được 11 năm. Đã đến lúc tôi phải ổn định cuộc sống, chấm dứt lối sống nay đây mai đó và sử dụng vốn kinh nghiệm dày dặn đã tích lũy được", Richard Sorge viết trong một bức điện tín.

Trong nhà tù Nhật Bản

Tuy nhiên, dự định và ước mơ của Richard đã không trở thành hiện thực: vào ngày 18/10/1941, ông bị bắt tại ngôi nhà nằm trên phố Nagasaki-machi. Nhiều thành viên trong nhóm của ông cũng bị bắt. Cho tới nay vẫn chưa rõ vì sao phản gián Nhật có thể phát hiện ra Richard.

Theo một số báo cáo, một thành viên của nhóm - họa sĩ Etoku Miyagi, người đã tình cờ rơi vào tay cảnh sát đã khai ra hoạt động của nhóm.

Miyagi không thể sống đến khi phiên tòa xét xử. Ông này đã bị tra tấn đến chết ở giai đoạn thẩm vấn. Theo thông tin khác, quân Nhật đã phát hiện được mối liên hệ trực tiếp giữa tình báo viên với nhân viên của đại sứ quán Liên Xô.

Richard thừa nhận quan điểm cộng sản của mình, nhưng không từ bỏ chúng. Ông nhận toàn bộ trách nhiệm về mình, cố gắng che chắn cho các thành viên trong nhóm, nhưng điều này đã không cứu được họ khỏi án tù. Trong khi đó, tin tức về vụ bắt giữ Richard gây hoang mang và phẫn nộ ở Đức. Người bạn của ông, Thiếu tướng Eugen Ott, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên hình ảnh Richard - một người lương thiện bị Nhật vu oan.

Với tư cách là đại sứ của Đức, Ott vô cùng tin tưởng Sorge, thậm chí đôi khi còn để ông một mình trong văn phòng của mình, điều mà Richard ngay lập tức tận dụng: ông chụp ảnh các tài liệu bí mật nằm trên bàn. Ott hiểu rằng mối quan hệ của ông ta với sĩ quan tình báo Liên Xô sẽ bị trừng phạt nên đã cố hết sức thuyết phục ban lãnh đạo về sự vô tội của Richard.

Lúc đầu, Đức Quốc xã yêu cầu Nhật phải thả Richard. Tuy nhiên, sau khi Ivar Lissner, nhân viên của Abwehr (Cơ quan tình báo quân sự và phản gián của Đế chế Đức) ở Viễn Đông, được cung cấp tài liệu và tư liệu từ các cuộc thẩm vấn các thành viên của nhóm Richard, Đức Quốc xã đã thay đổi quan điểm và bắt đầu khăng khăng đòi phải được dẫn độ kẻ phản bội về Đức. Tuy nhiên, điều này đã bị Nhật từ chối. Còn Ott, mặc dù thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc, nhưng đã bị buộc phải từ chức.

"Quyết định thi hành án tử hình không hề dễ dàng"

Theo một số báo cáo, chính phủ Nhật Bản đã đàm phán với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin về việc trao đổi nhà tình báo để lấy một số tù nhân Nhật Bản. Tuy nhiên, vị Đại nguyên soái Liên Xô được cho là đã không bật đèn xanh cho thỏa thuận này: vì trong thời chiến, bất kỳ sự hợp tác nào với kẻ thù của các nước Đồng minh đều có thể bị coi là phản bội.

"Tôi đã bị sốc trước sức mạnh ý chí của Ozaki và Richard. Quyết định thực hiện án tử hình không dễ dàng đối với tôi", trích hồi ký của Takada Tadashi.

Cùng với người bạn đồng hành trung thành là Ozaki, Richard bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Phán quyết do Thẩm phán Takada Tadashi, một người quen của nhà báo Ozaki từ thời học tại Đại học Tokyo, thông qua.

Trong khi cuộc điều tra vụ án Richard đang được tiến hành thì vợ của ông là Ekaterina Maksimova cũng bị bắt tại Liên Xô vì có kẻ tố cáo sai về mối quan hệ của bà với Đức Quốc xã và bà bị đày tới Siberia. Nguồn gốc xuất thân của bà đóng một vai trò đáng buồn trong việc này - giống như chồng, bà cũng mang một nửa dòng máu Đức.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 2) - 3

Richard Sorge với người vợ Ekaterina Maximova (Ảnh: Russian7).

Cuộc đời của Maksimova kết thúc một cách bi thảm: Bà qua đời vào mùa hè năm 1943. Trong khi đó, Richard chờ thi hành bản án tại nhà tù Sugamo, diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 25 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, ngày 7/11/1944.

Các nhân viên nhà tù kể lại rằng Richard nhận được tin báo về cái chết sắp tới với một sự bình tĩnh và thậm chí ông còn cảm ơn sự tử tế của các nhân viên nhà tù trước khi bước vào phòng thi hành án.

Theo mọi người kể lại, những lời cuối cùng của nhà tình báo nổi tiếng đã thốt ra bằng tiếng Nhật là "Hồng quân muôn năm! Quốc tế cộng sản muôn năm!". Cái chết của nhà tình báo được ghi lại 8 phút sau khi hành quyết - tất cả thời gian này, bác sĩ nhà tù đã lắng nghe nhịp tim của Richard. Ozaki cũng bị treo cổ cùng ngày.

"Lời tiên tri" về trận Trân Châu Cảng?

Năm 1951, chính phủ Mỹ đã cố tình buộc tội Richard gián tiếp tạo điều kiện cho cuộc không kích của Nhật Bản vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii.

"Richard được cho là đã sử dụng các mối quan hệ của mình để thúc đẩy cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. Thông qua Ozaki, thông qua Hoàng tử Konoe, cố gắng gây ảnh hưởng để làm chệch hướng đòn tấn công từ Liên Xô và hướng nó về phía nam", nhà sử học tình báo Andrey Vedyaev viết.

Tuy nhiên, người ta đã không tìm thấy bằng chứng quan trọng nào về sự dính líu của nhà tình báo này trong vụ tấn công: vào ngày xảy ra vụ tấn công ở Hawaii, Richard đã ở tù được hai tháng, và trong những bức điện cuối cùng của ông gửi về Trung tâm tình báo Liên Xô không hề nói về một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng.

Song, Richard dù sao cũng nhận thức được các kế hoạch gần đúng của chính phủ Nhật Bản, tuy nhiên ông lại phỏng đoán trước một kết cục tương tự của các sự kiện.

Ông không thể im lặng: thông qua một thành viên trong nhóm là Branko Vukelich, Richard đã trao một số tài liệu quý giá cho một trong những nhà báo Mỹ. Dựa trên nội dung, khả năng Nhật Bản tấn công Mỹ là rất cao. Nhưng thông tin này đã bị chính phủ Mỹ phớt lờ.

Ngôi mộ của nhà tình báo Liên Xô

Richard Sorge được chôn cất trong một ngôi mộ chung ở nghĩa trang nhà tù. Năm năm sau, hài cốt của nhà tình báo được Hanako Ishiya, một cô gái người Nhật rất mực yêu quý ông, tìm thấy. Sau khi án tử hình được thi hành, cô luôn hy vọng tìm được mộ của ông.

Những nỗ lực tuyệt vọng của cô đã được một nhân viên quản trang chú ý vì trong nghĩa trang đó có xác của những người bị kết án được cải táng sau khi Thế chiến II kết thúc. 

Ishiya sau đó đã nhận dạng Richard qua một số đặc điểm, trong đó có chiếc kính tròn mà ông đã đeo trong ngày bị hành quyết. Richard cuối cùng đã được an nghỉ tại nghĩa trang Tama.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 2) - 4

Ngôi mộ của Richard Sorge ở Nhật Bản (Ảnh: Ullstein Bild/Getty).

Ít lâu sau, câu chuyện về Richard được công khai, và Ishiya bắt đầu nhận được tiền trợ cấp với tư cách là góa phụ của một sĩ quan đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Năm 1964, chính phủ Liên Xô đã truy tặng Richard Sorge danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sau khi Ishiya mất, những người thân trong gia đình đã làm giấy tờ thủ tục chuyển giao quyền mai táng cho Đại sứ quán Nga tại Nhật Bản.

Trên phần mộ của nhà tình báo vĩ đại có ghi tên những cộng sự của ông. "Nơi đây, những chiến sỹ chiến đấu vì hòa bình trên trái đất, những người đã hy sinh cuộc sống của mình trong cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh, đã yên nghỉ", dòng chữ trên mộ của Richard Sorge viết.