1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 1)

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Richard Sorge từng điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô tại châu Á, sử dụng vỏ bọc nhà báo để xây dựng một mạng dưới tình báo hiệu quả tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 1) - 1

Nhà tình báo Liên Xô Richard Sorge (Ảnh: Ullstein Bild/Getty Images).

Nhăc tới những nhà tình báo nổi tiếng của Liên Xô, người ta không thể không kể tới Richard Sorge - điệp viên mang hai dòng máu Nga và Đức.

Là sĩ quan của Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô (GRU), Richard Sorge đã thâm nhập được vào giới tinh hoa của phát xít Nhật và gây dựng mạng lưới tình báo hiệu quả tại nước này. Cũng chính Sorge đã cảnh báo nhà lãnh đạo Joseph Stalin về kế hoạch xâm lược Liên Xô của phát xít Đức.

Richard Sorge sinh ngày 4/10/1895 tại làng Sabunchi, cách Baku, Azerbaijan không xa, trong một gia đình có cha là một kỹ người Đức còn mẹ là người Nga. Lớn lên, Sorge thường nói đùa rằng ông có quyền coi mình là người Azerbaijan.

Gustav Sorge, cha của nhà tình báo tương lai, là người Đức, xuất thân từ một gia đình trí thức cha truyền con nối: ông có bằng cấp về kỹ thuật, đầu tiên làm việc trong "Hiệp hội sản xuất dầu mỏ của anh em nhà Nobel", sau đó sản xuất thiết bị khoan tại xưởng riêng của mình.

Trong cuộc hôn nhân với con gái của một công nhân đường sắt, Nina Kobeleva, ông Gustav có 8 người con khác ngoài Richard. 

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 1) - 2

Ngôi nhà ở làng Sabunchi tại Baku, Azerbaijan, nơi Richard Sorge sống từ năm 1895-1898 (Ảnh: Wikimedia).

Khi Richard được 3 tuổi, gia đình Sorge chuyển đến Đức. Chuyển đến Đức được ít lâu thì bố mất, nhưng Richard không phải chịu cảnh thiếu thốn vì gia đình vẫn có tiền đủ ăn đủ tiêu. Ở nhà, cậu bé Richard được gọi là Ika, còn ở trường cậu được mọi người gọi là "Thủ tướng", vì vẻ chín chắn, thích đọc sách, tính quyết đoán và độc lập. Mặc dù vậy, trong việc học hành, Richard không có gì xuất sắc. Khi còn nhỏ, Richard không biết tiếng Nga vì mọi người trong gia đình chỉ nói tiếng Đức.

Richard không kịp tốt nghiệp phổ thông. Việc học hành của ông bị gián đoạn do Chiến tranh thế giới thứ Nhất, bắt đầu vào năm 1914. Từ bỏ sách vở, Richard gia nhập hàng ngũ tình nguyện viên quân đội Đức và ít lâu sau thì ra mặt trận. Ông đã chiến đấu dũng cảm, nhiều lần bị thương trong trận chiến, Richard đã được trao tặng Huân chương Chữ thập sắt hạng II của Đức vào năm 1915 vì thành tích chiến đấu.

Bị thương trong trận chiến "cối xay thịt Verdun"

Một năm sau, trở thành một người lính với cấp bậc hạ sĩ quan pháo binh tham gia vào trận đánh được gọi là "cối xay thịt Verdun" tại Pháp - trận đánh đẫm máu giữa lính Pháp và Đức trong Thế chiến thứ Nhất năm 1916. Trong trận chiến, Richard bị thương nặng do một quả đạn nổ và trong khi chờ người đến cứu giúp, ông bị treo lơ lửng trên hàng rào dây thép gai.

Đã cận kề cái chết, ông may mắn được một bác sĩ phẫu thuật ở Konigsberg cứu sống. Tuy nhiên, Richard không thể tham gia chiến đấu được nữa, do bị thương. Tại bệnh viện, Sorge kết thân với người bác sĩ và con gái của ông, làm y tá trong bệnh viện.

Qua họ, Richard đã tìm hiểu về phong trào cách mạng và các hoạt động của Lenin. Sau khi nghiên cứu vấn đề này, ông đã trở thành người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và chống lại chủ nghĩa đế quốc một cách kiên quyết. Trở về nước vào năm 1918 và nhận được giấy chứng nhận đã trưởng thành, ông tốt nghiệp Đại học Friedrich Wilhelm (nay là Đại học Humboldt Berlin). Không dừng lại ở đó, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Hamburg. Một thời gian sau, Richard nhận thêm bằng kinh tế.

Richard đã tham gia vào đời sống chính trị của nước Đức. Vào tháng 11/1918, ông tham gia cuộc nổi dậy của thủy thủ nổ ra ở Kiel, sau đó là cuộc cách mạng. Tinh thần cách mạng đã có trong dòng máu của Richard - họ hàng đằng nội của ông đã tham gia tích cực vào cuộc đảo chính năm 1848-1849 ở Đức, và ông cụ họ Friedrich Adolf của ông từng là phụ tá của Karl Marx.

Số phận đã gắn ông với Liên Xô

Vì các hoạt động chính trị của mình, Richard đã suýt bị bắn, nhưng sau đó chỉ bị trục xuất khỏi Berlin. Chàng trai trẻ tạm đến sống ở Hamburg nhưng không từ bỏ quan điểm cộng sản: ông trở thành một nhà tuyên truyền, làm việc trong một khu mỏ nằm gần thành phố Aachen, và sau đó đảm nhận vị trí cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt am Main.

Richard cũng tham gia vào lĩnh vực báo chí, dần dần trở thành người đứng đầu tờ báo đảng của thành phố Solingen. Năm 1924 là một năm định mệnh trong cuộc đời của Richard: theo lời mời của các đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô đến thăm Đức, Richard cùng với vợ là Christina đã đến Liên Xô.

Trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Bolshevik toàn liên bang Nga, ông bắt đầu làm việc trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản.

Tại Liên Xô, Richard tiếp tục công việc báo chí của mình và đăng các bài báo về cuộc cách mạng ở Đức trên báo chí Liên Xô. Hai năm sau, vợ của Richard trở về quê hương, và sau khi ly hôn, ông đã chiếm được trái tim của người đứng đầu một trong những phân xưởng của nhà máy, Ekaterina Maximova, người đã dạy tiếng Nga cho ông. Họ kết hôn vào năm 1933.

Richard không thể nắm vững tiếng Nga: ông thường mắc lỗi trong khi viết và nói, giọng thì mang nặng chất phương ngữ. Tuy nhiên, Richard thông thạo tiếng Anh và tiếng Na Uy, đọc tiếng Pháp tốt.

Nhiều năm hoạt động ở Trung Quốc, Nhật Bản dưới vỏ bọc nhà báo

Khi phục vụ tại Quốc tế Cộng sản, Richard trở thành một tình báo viên - các chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông trong giai đoạn 1927-1928 là ở Anh, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Năm 1929, dưới sự bảo trợ của người vợ cũ (cô quen với một tình báo viên bí mật của Liên Xô ở Berlin), ông bắt đầu được ghi tên vào danh sách sở tình báo số 4 của Bộ tổng Tham mưu Hồng quân Liên Xô.

Một năm sau, Richard, đóng vai một nhà báo người Đức, đến Trung Quốc - để xây dựng một mạng lưới tình báo. Trong khi đi khắp đất nước Trung Quốc, ông đã thu thập những thông tin có giá trị cho Liên Xô.

Richard hoạt động dưới mật danh Ramsay và ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo: trong nhiều năm làm việc, ông đã gửi về khoảng 600 thông tin quan trọng. Nhưng sự kiện quan trọng nhất trong chuyến đi về phía đông của ông là Richard đã làm quen với một người theo chủ nghĩa hòa bình - phóng viên Nhật Bản Hotsumi Ozaki và số phận của họ sau đó gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt thời gian Richard ở Nhật Bản.

Nhà tình báo bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi đến "đất nước mặt trời mọc" vào năm 1932, ngay sau khi ông được triệu hồi từ Trung Quốc. Việc quay trở lại Liên Xô diễn ra nhanh chóng vì Richard đã thu hút sự chú ý của các cơ quan đặc nhiệm Trung Quốc khi ông cố gắng giải phóng một cặp vợ chồng đặc vụ của Quốc tế Cộng sản ra khỏi nhà tù.

Để có chuyến công tác đến Nhật Bản, Richard cần một lý lịch đáng tin cậy; vì nó mà Richard đã phải mạo hiểm đến nước Đức, lúc bấy giờ đang bị thống trị bởi tình cảm thân phát xít. Richard không quảng cáo sự thật rằng ông đã từng sống ở Liên Xô, nhưng để đề phòng bất trắc, ông đã chuẩn bị một huyền thoại rằng ông đã vỡ mộng với chủ nghĩa cộng sản.

Nhà tình báo suýt nữa thì không còn cơ hội để làm công tác chuẩn bị khi Gustav Hilger, cố vấn về các vấn đề kinh tế ở Đại sứ quán Đức tại Liên Xô, nhận ra ông. Người này đã nhìn thấy Richard cùng Maksimova ở Nhà hát lớn Matxcơva, nhưng Richard đã thuyết phục được anh bạn Đức rằng họ chỉ mới gặp nhau gần đây tại tòa soạn một tờ báo ở Munich. Tuy nhiên, Richard vẫn có nguy cơ bị phát hiện.

"Vị trí của tôi ở đây không hấp dẫn lắm, và tôi sẽ rất mừng nếu có thể biến mất khỏi đây", thông báo của Richard Sorge gửi về trung tâm tình báo tại Liên Xô tháng 6/1932.

Richard nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ hữu ích, giúp ông có cơ hội đến Nhật Bản dưới vỏ bọc của một cộng tác viên của một số ấn phẩm Đức. Ngoài ra, anh trai của Richard đã trở thành một doanh nhân lớn ở Đức và đồng ý để Sorge đến Nhật Bản với tư cách là người đại diện cho công ty của mình.

Số phận nghiệt ngã của điệp viên lừng danh Liên Xô (kỳ 1) - 3

Hạ sĩ quan Reichswehr Richard Sorge (trái) trong bệnh xá Berlin năm 1915 (Ullstein Bild/Getty).

Đến Tokyo vào tháng 9/1933, Sorge phải đối mặt với một thái độ cảnh giác: lúc đầu, ông phải liên tục tìm cách thoát khỏi sự giám sát, thường xuyên gặp phải các đặc vụ trong các cửa hàng và rạp chiếu phim đông đúc. Richard đã đến thăm các cuộc triển lãm và đi xem biểu diễn, nghiên cứu cuộc sống, văn hóa và những nét đặc thù chính trị của đất nước Nhật Bản, viết và gửi các bài báo sang Đức về các chủ đề khác nhau.

Các bài ký sự của Richard rất phổ biến ở Berlin. Richard nổi tiếng như một nhà phương Đông học tài năng. Khi rảnh rỗi, ông kết bạn với những người Đức có ảnh hưởng đang sống ở Nhật Bản, tham dự đủ loại tiệc buffet và tiệc chiêu đãi. Richard đã tạo dựng cho mình hình ảnh một người đàn ông uyên bác nhưng phong trần và rất thành công trong môi trường này.

Trong tất cả các nhóm ngoại giao ông được mọi người tin tưởng đặc biệt vì ngay cả một sĩ quan cấp cao của phát xít Đức, một người rất quen biết với Richard, cũng không thể ngờ ông là một sĩ quan tình báo của Liên Xô.

Để thuyết phục các thành viên phe phát xít về lòng trung thành của mình, Richard thậm chí còn gia nhập Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức (NSDAP) và chia sẻ với người Đức một số dữ liệu không đáng kể về ngành quân sự và khả năng của Nhật Bản.

Tuy nhiên, có lần, Richard gần như chết đứng vì những cuốn sách về chủ đề cộng sản của ông.

Một hôm, Paul Wennecker, tùy viên hải quân của Đại sứ quán Đức tại Nhật Bản, đến thăm và cho xem tập tài liệu dạng tờ rơi "Rosa Luxemburg. Tích lũy tư bản" do Richard phát hành trước đây. Wennecker vô tình nhìn thấy nó khi đến thăm mẹ một người bạn của Richard.

Nhà tình báo hết sức kinh ngạc nhanh chóng trấn tĩnh lại và đưa ra câu chuyện đã được chuẩn bị từ trước về sự ảo tưởng của một thanh niên về chủ nghĩa cộng sản. Richard đã nói một cách thuyết phục đến nỗi Wennecker tin tưởng hoàn toàn vào những lời của ông.

Những người cộng sản Đức không biết về nhiệm vụ của Richard đã xem việc gia nhập NSDAP của ông như một sự phản bội và lên kế hoạch loại bỏ Richard. Rất may là, các thành viên của Quốc tế Cộng sản đã biết về kế hoạch của họ và đã ngăn cấm những kẻ báo thù thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại Richard.

(Còn tiếp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm