1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ thanh trừng bí mật kẻ đào tẩu của nhà tình báo Liên Xô (kỳ 1)

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Kẻ đào tẩu Agabekov vội vã đến chỗ hẹn tại Paris để đàm phán về một thương vụ buôn lậu kim cương, ngọc trai và kim loại quý. Nhưng đó cũng là ngày cuối cùng của y.

Vụ thanh trừng bí mật kẻ đào tẩu của nhà tình báo Liên Xô (kỳ 1) - 1

Nhà tình báo Liên Xô Alexander Korotkov (Ảnh: Rbth).

Alexander Korotkov được coi là bậc thầy về hoạt động tình báo. Ông đã báo tin ngày Đức định tấn công Liên Xô từ thủ đô của Đức quốc xã và trong những năm chiến tranh, ông đã truy tìm và loại bỏ những kẻ thù của Liên Xô ở châu Âu. Vào tháng 5/1945, Korotkov đã được chỉ thị phải đảm bảo cho việc ký kết Hiệp ước đầu hàng vô điều kiện của Đức được tiến hành trôi chảy. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi nhà tình báo tài năng này không còn được lòng người đứng đầu KGB.

Tháng 3/1938, tại Paris, vào một buổi tối muộn, một người đàn ông kín đáo đi qua những con đường tối tăm của thành phố để đến một căn hộ, nơi ông có cuộc hẹn. Tên ông ta là Georgy Agabekov, một cựu điệp viên Liên Xô ở Iran, đã từ bỏ nhiệm vụ và trốn sang Pháp. Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất. Điều tệ hại nhất là kẻ phản bội đã cho xuất bản một cuốn sách, trong đó tiết lộ những dữ liệu về hoạt động của tình báo Liên Xô ở Iran. Sau đó, quan hệ giữa Iran và Liên Xô trở nên xấu đi, nhiều điệp viên Liên Xô bị bắt và bị hành quyết.

Nhưng điều đáng nói là "tên bợm" - mật danh của Agabekov - sau khi có hành động xấu xa như vậy nhưng y thậm chí còn không nghĩ đến việc lẩn trốn. Tối hôm đó, y vội vã đến chỗ hẹn để đàm phán về một thương vụ buôn lậu kim cương, ngọc trai và kim loại quý. "Tên bợm" đến đúng căn hộ đó và gõ cửa - không có ai ra mở cửa. Hắn nhẹ nhàng đẩy cửa, vốn không khóa. Nhưng ngay sau khi vị khách này bước vào trong căn hộ thì một con dao đã găm vào ngực y: "cuộc hẹn" là một hành động thanh lý Agabekov, được lên kế hoạch và thực hiện một cách khéo léo bởi nhà tình báo trẻ Liên Xô, Alexander Korotkov.

***

Alexander Korotkov sinh ngày 22/11/1909 tại Moscow. Cậu không biết mặt cha mình, ông Mikhail - người làm việc cho chi nhánh Ngân hàng Nga-châu Á ở thành phố Kuldzha, Trung Quốc. Thậm chí trước khi Korotkov sinh ra, bố mẹ cậu đã chia tay và bà mẹ, khi đó đang mang bầu Korotkov, đã chuyển sang Nga ở cùng cô con gái Nina…

Pavel, anh trai của Alexander, được người cô cũng sống ở Moscow nuôi dưỡng. Mặc dù những đứa bé lớn lên trong các gia đình khác nhau, nhưng ngay từ thời thơ ấu, mấy anh chị em đã tỏ ra rất yêu quý nhau.

Trong những năm diễn ra cuộc cách mạng, gia đình đứng trước bờ vực của sự nghèo đói: để con trai không bị chết đói, người mẹ buộc phải tạm thời gửi Alexander đến một trại trẻ mồ côi. Ít lâu sau tình hình tài chính của gia đình ổn định hơn, bà Anna nhận công việc thư ký đánh máy và lại đưa con trai về nhà.

Nhà tình báo tương lai là một cậu học trò siêng năng, yêu thích kỹ thuật điện và mơ ước được học tại Đại học Tổng hợp Moscow. Tuy nhiên, được chứng kiến cảnh bà mẹ đã kiệt sức để nỗ lực nuôi sống cả gia đình, nên sau khi học ở trường về, Korotkov lại đi làm thêm. Anh chọn nghề thợ điện, đăng ký học việc với một người thợ lành nghề. Thể thao là niềm an ủi đối với nhà tình báo tương lai, Korotkov thường đá bóng cùng với anh trai Pavel.

Con đường đến với nghề tình báo

Nhưng môn quần vợt đã thu hút Korotkov mạnh hơn cả bóng đá, và môn thể thao này đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Korotkov. Tham dự vào hiệp hội thể thao "Dynamo", anh thường làm chân phát bóng cho những đối tác thường xuyên của câu lạc bộ tập luyện. Vào một ngày nọ, chàng  trai thông minh được trợ lý của Phó chủ tịch Cục Chính trị Liên bang (OGPU) Veniamin Gerson chú ý.

Là một nhân viên an ninh giàu kinh nghiệm, từng là thư ký riêng của Felix Dzerzhinsky, người sáng lập cơ quan an ninh Nga Cheka, Veniamin Gerson lập tức nhận thấy tiềm năng của chàng trai trẻ. Nhờ sự bảo trợ của Gerson, vào mùa thu năm 1928, Korotkov đã đến cơ quan an ninh Nga ở phố Lubyanka, mặc dù khi đó anh chỉ là nhân viên điều hành thang máy kiêm thợ điện.

Nhưng Gerson đã không nhầm khi để ý đến Korotkov. Chàng trai trẻ hết sức nhanh nhẹn và là người có chí hướng nên anh không làm nghề thợ lâu.

Năm 1929, anh được nhận vào làm thư ký tại bộ phận ngoại giao Cục Chính trị Liên bang, phụ trách việc phân phát báo chí và thư tín mật giữa các nhân viên.

Một năm sau, Korotkov được thăng chức thành trợ lý điều hành của bộ phận ngoại giao. Để kiểm tra khả năng của người mới, Korotkov được giao nhiệm vụ phân tích các hoạt động của "Hiệp hội thúc đẩy các xí nghiệp công nghiệp" của Đức, có văn phòng đặt tại Matxcơva. 

Vụ thanh trừng bí mật kẻ đào tẩu của nhà tình báo Liên Xô (kỳ 1) - 2

Một bức ảnh cũ của tòa nhà cơ quan tình báo Liên Xô KGB trên phố Lubyanka, Moscow (Ảnh: TASS).

Trong thời gian ngắn nhất, sau khi nghiên cứu các tài liệu được cung cấp, Korotkov đã đi đến kết luận rằng hội trên nhằm giúp đỡ các xí nghiệp công nghiệp của Liên Xô, nhưng đã bị người Đức lợi dụng để cài gián điệp của họ vào lãnh thổ Liên Xô.

Điều đó không phải là tin mới đối với cơ quan an ninh Liên Xô. Trợ lý cho lãnh đạo Tổng cục Hoạt động Bí mật của OGPU là Artur Artuzov cũng đã đưa ra kết luận tương tự vào năm 1927, sau đó các hoạt động của hiệp hội trên đã bị chấm dứt.

Cấp trên đã rất ấn tượng trước cái nhìn sâu sắc và kỹ năng phân tích của Korotkov. Sau một thời gian, Korotkov bắt đầu được đào tạo để làm việc ở nước ngoài trong thành phần của nhóm tình báo "Express" ở Paris. Trước hết, Korotkov phải học ngoại ngữ vì kiến thức phổ thông đối với một nhiệm vụ như vậy rõ ràng là chưa đủ.

Chàng "Kều" ở Paris

Korotkov đến Pháp, trở thành sinh viên tự túc tại Đại học Sorbonne, đồng thời theo học tại trường kỹ sư vô tuyến điện, dưới vỏ bọc của một người Áo gốc Tiệp Khắc. Nhà tình báo đã được học những điều phức tạp của tiếng Đức nhờ sự giúp đỡ của một người sinh ra tại Hamburg - một thành viên của Quốc tế cộng sản. Người này dạy cho học trò về phong tục, tập quán và hành vi, thói quen của người Đức. Korotkov đã học được phong cách của người Đức, chẳng hạn như không cho lược vào túi áo khoác và chỉ cài áo khoác bằng một chiếc cúc giữa.

Còn thầy giáo dạy tiếng Pháp mang đến lớp học những đĩa hát, nhờ đó mà Korotkov không chỉ bổ sung vốn từ vựng mà còn chăm chỉ rèn luyện khả năng phát âm của mình. Maria Vilkovyskaya, một phiên dịch viên, cũng giúp nhà tình báo học ngoại ngữ.

Korotkov và Vilkovyskaya giao tiếp với nhau không chỉ có quan hệ công việc - ngay sau khi gặp nhau, tình yêu bắt đầu nảy nở và sau đó họ kết hôn. Cặp đôi có 2 con gái, nhưng cuộc hôn nhân đã tan vỡ sau chiến tranh. Người bạn đời mới của nhà tình báo là Irina Basova, một cựu phiên dịch viên của Ủy ban quân quản Liên Xô ở Berlin, Đức. Basova đã sinh cho Korotkov một cô con gái nữa.

Năm 1933, nhà tình báo, nhận mật danh "Kều" vì vóc dáng cao lớn của ông, đến Vienna (Áo) để bước vào hoạt động hợp pháp.

Tại Vienna, Korotkov có hộ chiếu mang tên một người Tiệp Khắc là Karl Roshetsky và tiếp tục thực hành tiếng Đức trong ba tháng nữa. Sau khi đến Paris, ông được đặt dưới quyền quản lý của tình báo viên Alexander Orlov, người sau này trở nên nổi tiếng với câu chuyện đáng buồn là bỏ trốn sang Mỹ.

Theo chỉ thị của lãnh đạo, Korotkov đã tuyển dụng thành công một trong những nhân viên của cục quản lý số 2 của Bộ Tổng tham mưu Pháp. Ngoài ra, ông vẫn giữ liên lạc với những người cung cấp thông tin từ Thụy Sĩ và Đức, những nơi ông thường đi du lịch bằng các hộ chiếu khác nhau.

Trong những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, Korotkov đi xem các sự kiện thể thao. Năm 1934, ông đến xem một trận đấu của đội Spartak Công nhân, nơi anh trai là Pavel thi đấu trong thành phần đội tuyển Moscow, vì Korotkov bị nghiêm cấm gặp người thân.

Gia đình Korotkov thậm chí còn không biết Korotkov thực sự đang làm việc gì. Để không bị phát hiện, nhà tình báo đã cố tình không cạo râu trong nhiều ngày và mua một vé ngồi hàng cuối cùng của sân vận động.

Sự nhiệt tình trong công việc của Korotkov luôn được thể hiện rõ. Nhưng vào năm 1935, trong khi tìm cách tuyển dụng một thợ ảnh trong Bộ Tổng tham mưu làm người cung cấp thông tin, Korotkov đã bị phản gián Pháp chú ý.

Korotkov ngay lập tức thông báo cho Alexander Orlov về nguy cơ có thể xảy ra bại lộ. Sau các cuộc trao đổi ngắn với cấp trên, Korotkov đã được triệu hồi về Liên Xô. Tuy nhiên, một năm sau, Korotkov lại ra nước ngoài.

Lần này, nhiệm vụ của ông nguy hiểm hơn nhiều: dưới vỏ bọc của một nhà kinh tế thuộc phái đoàn thương mại Liên Xô tên là Vladimir Korotkikh, nhà tình báo cùng vợ phải làm việc ở Đức. Nhiệm vụ chính của Korotkov là khai thác các sơ đồ và bản vẽ về vũ khí và thiết bị của Đức quốc xã.

Vụ thanh trừng bí mật kẻ đào tẩu

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Korotkov lại được điều động sang Pháp. Lần này, ngoài nhiệm vụ làm việc với những người cung cấp thông tin, nhà tình báo còn tham gia vào nhóm tìm kiếm và tiêu diệt những kẻ phản bội và kẻ thù của Liên Xô. Một trong những mục tiêu cần phải thanh trừng là Georgy Agabekov (mật danh là "Tên bợm"), một cựu nhân viên của Bộ nội vụ và là điệp viên của Liên Xô tại Iran.

Là một tình báo viên Liên Xô ở Constantinople (ngày nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), năm 1930, Agabekov đã đào tẩu rồi trốn sang Bỉ, sau đó là Pháp. Tại Pháp, y đã cho xuất bản cuốn sách "OGPU: khủng bố bí mật của Nga", tiết lộ mắt xích Iran của tình báo Liên Xô.

Hành động của kẻ phản bội đã dẫn đến việc các điệp viên Liên Xô ở các nước Trung Đông bị bắt giữ, bị hành quyết và làm cho quan hệ giữa Liên Xô và Iran trở nên khá phức tạp. Thậm chí, Agabekov còn không hề có ý định lẩn trốn. Vào tháng 3/1938, nhóm của Korotkov đã tìm cách lần theo dấu vết của y và bí mật dụ y vào một thương vụ.

Agabekov bị thủ tiêu ở Paris sau khi bị dụ vào một ngôi nhà an toàn, nơi hắn ta dự định sẽ đàm phán về việc chuyên chở bí mật kim cương, ngọc trai và kim loại quý... Vụ thanh trừng đã được nhà tình báo Korotkov lên kế hoạch và thực hiện một cách bí mật. 

"Tôi không bán mình"

Vì những thành tích trong công việc ở Đức và Pháp, Korotkov đã được trao tặng Huân chương Sao Đỏ và được thăng chức - ông trở thành Phó cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại số 1. Cuối năm 1938, Korotkov trở lại Moscow. Tại đây, nhà tình báo được biết rằng vào tháng 3, Phó chủ tịch Cục Chính trị Liên bang (OGPU) Veniamin Gerson đã bị bắt vì tham gia vào một tổ chức khủng bố phản cách mạng.

Korotkov suýt nữa gặp nguy hiểm. Khi đó, tân Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrenty Beria tại một cuộc họp của các sĩ quan tình báo đối ngoại đã cáo buộc Korotkov có dính dáng đến mật vụ của Phát xít Đức và sa thải ông khỏi cơ quan an ninh.

Vụ thanh trừng bí mật kẻ đào tẩu của nhà tình báo Liên Xô (kỳ 1) - 3

Lavrenty Beria (Ảnh: TASS).

Tuy nhiên, Alexander không bỏ cuộc - ông đã gửi cho Beria một bức thư, trong đó mô tả chi tiết những năm phục vụ của mình và yêu cầu xem xét lại quyết định sa thải.

"Tôi tin rằng mình đang làm điều gì đó có ích cho Đảng, do đó tôi đã không ngần ngại liều mình dù phải trả giá bằng lao động khổ sai hoặc bằng giá treo cổ. Và thực tế là trong trường hợp thất bại, tôi có mọi lý do để suy nghĩ. (...) Tôi đã không bán mình, và tôi cũng không có ý định, không mong muốn, không có lý do gì để làm điều này", Alexander Korotkov viết trong thư.

Korotkov đã mạo hiểm. Nếu Beria tức giận, Korotkov có thể phải ngồi tù và nhận bản án tử hình. Nhưng, thật may cho Korotkov, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác. Sau khi nghiên cứu thư của Korotkov, Beria mời ông đến để nói chuyện và sau một cuộc trò chuyện khá khó khăn, Korotkov được phép trở lại làm việc.

(Còn tiếp)