1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung

(Dân trí) - Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia đông dân nhất thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung - 1

Bản đồ khu vực thung lũng Galwan. (Ảnh: BBC)

Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962 tại cùng khu vực ở Himalaya, nơi 20 quân nhân của New Delhi đã thiệt mạng sau cuộc giao tranh quyết liệt với Bắc Kinh hôm 15/6. Bắc Kinh chưa lên tiếng về con số thương vong, trong khi, báo Ấn Độ nói rằng Bắc Kinh dường như có 43 người thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc giao tranh. 

Cuộc chiến gần 60 năm trước đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, và vấn đề tranh chấp biên giới giữa 2 quốc gia đông dân nhất hành tinh vẫn chưa phân định rõ ràng. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh được cho đã giành được quyền kiểm soát trên danh nghĩa với Aksai Chin, khu vực 2 nước đều tuyên bố chủ quyền. Trong cuộc chiến kéo dài 1 tháng, Trung Quốc mất 700 quân nhân, trong khi Ấn Độ thiệt hại gần gấp đôi số này.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đối đầu quân sự ở Himalaya hiện rất khác so với cách đây 58 năm. Trung Quốc được cho nắm giữ lợi thế hơn Ấn Độ về lực lượng và khí tài. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây ở trung tâm Belfer tại Trường Chính phủ Harvard Kennedy ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington, Mỹ chỉ ra rằng Ấn Độ có lợi thế nhất định khi tác chiến ở khu vực vùng núi cao.

Vũ khí hạt nhân

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung - 2

 Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-5 của Ấn Độ (Ảnh: Getty)

Không ai mong muốn căng thẳng Trung - Ấn sẽ bùng phát thành chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế là cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là quốc gia hạt nhân, vì vậy, khả năng này cũng không thể bị loại bỏ hoàn toàn, dù rất khó có thể xảy ra.

Các số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI) ở Thụy Điển ước tính Trung Quốc có 320 đầu đạn hạt nhân, trong khi, Ấn Độ có 150 đầu đạn. Kho vũ khí hạt nhân của 2 nước đều gia tăng trong năm qua.

Cả 2 nước đều duy trì bộ 3 hạt nhân - tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Ấn Độ và Trung Quốc đều áp dụng chính sách “không sử dụng đầu tiên”, có nghĩa rằng họ sẽ chỉ kích hoạt vũ khí hạt nhân để đáp trả khi bị tấn công hạt nhân trước.

Không quân

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung - 3

Máy bay chiến đấu Su-30MKI mang tên lửa không đối đất BrahMos (Ảnh: AFP)

Ấn Độ có khoảng 270 tiêm kích và 68 máy bay tấn công mặt đất mà nước này có thể điều động trong kịch bản đối đầu với Trung Quốc, theo nghiên cứu của trung tâm Belfer.

New Delhi cũng duy trì chuỗi các căn cứ không quân nhỏ ở gần biên giới Trung Quốc, cho phép họ có thể hỗ trợ chiến đấu cho những máy bay này.

Trung Quốc có khoảng 157 tiêm kích và một phi đội nhỏ máy bay không người lái tấn công mặt đất, theo trung tâm Belfer. Trung Quốc có thể vận 8 căn cứ trong khu vực, nhưng hầu hết là các sân bay dân sự và vấn đề địa hình gây thách thức cho Trung Quốc.

“Độ cao của các căn cứ Trung Quốc tại Tây Tạng và Tân Cương, kết hợp với vấn đề địa hình nói chung và điều kiện thời tiết ở khu vực khiến các tiêm kích Trung Quốc chỉ mang được một nửa số nhiên liệu và vũ khí so với thiết kế ban đầu”, nghiên cứu của trung tâm Belfer kết luận.

Hoạt động tiếp liệu trên không có thể giúp Trung Quốc giải bài toán khó khăn trên, nhưng không quân nước này không có đủ máy bay tiếp liệu để thực hiện điều đó.

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung - 4

Một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc (Ảnh: Military)

Nghiên cứu của viện Belfer cũng cho hay không quân Ấn Độ sở hữu lợi thế hơn ở khu vực này với các máy bay Mirage 2000 và Su-30 hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Trong khi đó, trong các máy bay J-10, J-11 và Su-27 mà Trung Quốc triển khai ở khu vực, chỉ J-10 có khả năng như vậy.

Thêm vào đó, Ấn Độ cũng tích cực xây dựng căn cứ ở khu vực với nhiều đặc điểm ưu việt như nâng cao khả năng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và cải thiện phòng không.

Ngoài ra, theo báo cáo của trung tâm Belfer, các cuộc xung đột trong thời gian qua với Pakistan ở khu vực lân cận cho phép Ấn Độ nâng cao kinh nghiệm thực chiến so với Trung Quốc.

Lực lượng mặt đất

Theo nghiên cứu của CNAS, xét về mặt kinh nghiệm tác chiến mặt đất, phía Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm hơn so với Trung Quốc. Trong những năm qua, lực lượng Ấn Độ đã tham gia vào các cuộc giao tranh ở Kashmir hoặc ở khu vực biên giới với Pakistan.

Theo ước tính của trung tâm Belfer, Ấn Độ triển khai khoảng 225.000 thành viên lực lượng mặt đất ở khu vực, trong khi Trung Quốc có 200.000-230.000 quân.

Do vấn đề về địa hình, lực lượng của 2 bên có thể gặp những khó khăn nhất định trong việc chiến đấu ở khu vực này.

Đồng minh và đối tác

So kè sức mạnh quân sự Ấn - Trung - 5

Quân nhân Mỹ - Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung năm 2016 (Ảnh: Reuters)

Theo giới quan sát, Trung Quốc dường như tự phụ thuộc vào chính mình trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ ở Himalaya thì New Delhi lại phát triển mạng lưới quan hệ quốc phòng với các quốc gia khác với mục tiêu kìm chân Trung Quốc.

Ấn Độ đã tiến sát hơn tới Mỹ trong những năm gần đây và Washington đã gọi New Delhi là “đối tác quốc phòng chính”, trong khi 2 bên cũng gia tăng các hoạt động diễn tập song phương và đa phương.

Trong kịch bản nổ ra xung đột, hệ thống tình báo và giám sát của Mỹ có thể giúp Ấn Độ có bức tranh rõ ràng hơn về chiến trường.

Ấn Độ cũng tham gia vào các cuộc tập trận chung với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia.

“Quân nhân phương Tây tham gia các cuộc diễn tập thường đánh giá cao sự sáng tạo chiến thuật và mức độ thích ứng cao của phía Ấn Độ”, theo CNAS.

Đức Hoàng

Tổng hợp