1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Số ca Covid-19 tăng kỷ lục, các hình mẫu chống dịch cũng "thất thủ"

Minh Phương

(Dân trí) - Thế giới vừa trải qua ngày với số người mắc Covid-19 tăng kỷ lục hơn 284.000 ca, điểm nóng bùng phát dịch vẫn là châu Mỹ.

Số ca Covid-19 tăng kỷ lục, các hình mẫu chống dịch cũng thất thủ - 1
Thế giới đã có khoảng 16 triệu người mắc Covid-19. (Ảnh: AFP)

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong ngày 24/7, thế giới ghi nhận 284.196 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc trên toàn cầu lên xấp xỉ 16 triệu ca. Trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là Mỹ (gần 70.000 ca), Brazil (xấp xỉ 68.000 ca), Ấn Độ (hơn 49.000 ca) và Nam Phi (hơn 13.000 ca).

Trong 24 giờ qua, thế giới cũng có thêm hơn 9.700 người chết vì Covid-19, nhiều nhất kể từ ngày 30/4, nâng tổng số người chết vì dịch cho tới nay lên hơn 638.000 người. Trong đó, Peru chiếm hơn 3.800 ca tử vong, Brazil gần 1.300 ca, Mỹ hơn 1.000 ca, Mexico 790 ca và Ấn Độ 740 ca.

Trong tháng 7, trung bình mỗi ngày thế giới có khoảng 5.000 người chết vì Covid-19, tăng so với mức trung bình 4.600 ca hồi tháng 6.Trong khi châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 tại châu Âu, châu Á và châu Phi cũng đáng lo ngại.

"Số người mắc Covid-19 tăng mạnh gần đây ở một số nước châu Âu sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội là điều đáng lo ngại. Ở những nơi xuất hiện các ổ dịch mới, chính quyền cần có sự ứng phó nhanh chóng và có mục tiêu trong đó bao gồm việc phát hiện và cách ly nhanh chóng các ca mắc và truy vết tiếp xúc. Tùy vào tình hình thực tế để áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa", một phát ngôn viên của WHO cho biết với AFP. Châu Âu đến nay ghi nhận khoảng 3 triệu ca mắc Covid-19, chiếm 1/5 tổng số người mắc Covid-19 toàn cầu.

Trong khi đó, tại châu Á, Ấn Độ là vùng dịch đáng lo ngại nhất. Riêng trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận hơn 49.000 ca mắc mới. Ấn Độ trở thành tâm dịch lớn thứ 3 thế giới từ giữa tháng này, chỉ sau Mỹ và Brazil. Các chuyên gia cho rằng, phải mất vài tháng nữa dịch Covid-19 mới đạt đỉnh ở Ấn Độ.

Các hình mẫu chống dịch cũng “thất thủ”

Số ca Covid-19 tăng kỷ lục, các hình mẫu chống dịch cũng thất thủ - 2

Hong Kong chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3. (Ảnh: Hong Kong News)

Hong Kong vốn được đánh giá cao về năng lực ứng phó đại dịch Covid-19 khi có các biện pháp hiệu quả nhằm xác định nhanh chóng người mắc, truy vết tiếp xúc, thực hiện giãn cách xã hội. Trong một thời gian dài, số ca mắc Covid-19 ở Hong Kong chỉ ở mức 1 con số hoặc thậm chí về 0. Mặc dù vậy, Hong Kong hiện cũng chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 thứ ba và đáng lo ngại là việc mất dấu nguồn lây của nhiều ca bệnh.

Hôm 24/7, Hong Kong ghi nhận thêm 123 ca mắc Covid-19, tăng mạnh nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trước tình hình này, giới chức Hong Kong đã ban bố thêm nhiều biện pháp ứng phó dịch khác như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, đóng cửa nhà hàng, phòng gym, siết quản lý biên giới.

Australia cũng từng được coi là "tiêu chuẩn vàng" về ứng phó dịch. Người phát ngôn Bộ Y tế Australia hồi đầu tháng 5 tuyên bố, nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm Covid-19. Hôm 8/5, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại từ tháng 7. Tuy nhiên, đến đầu tháng nay, Australia phải phong tỏa gần 7 triệu người ở bang Victoria sau khi dịch bùng phát mạnh ở thành phố Melbourne. Australia đến nay ghi nhận hơn 13.000 ca mắc, trong đó 140 trường hợp đã tử vong.

Chính phủ Nhật Bản hôm 25/5 đã dỡ bỏ lệnh khẩn cấp quốc gia, cho phép mở cửa kinh tế trở lại dần dần. Chính phủ nước này thậm chí đưa ra sáng kiến để khuyến khích du lịch nội địa nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Không lâu sau, số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng mạnh trở lại, Nhật Bản ghi nhận kỷ lục gần 1.000 ca hôm 23/7, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại xứ sở anh đào lên 29.000 ca, trong đó 994 người đã tử vong.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm