1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Siêu tàu hải cảnh - vũ khí nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Tàu hải cảnh CCG3210, vũ khí uy hiếp khổng lồ của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, đã khiến nhiều nước, trong đó có Indonesia, phải thường xuyên tìm cách đối phó trước những hành động ngang ngược của các tàu này trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh mang số hiệu 3210 của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc (Ảnh: Chinanews)
Tàu hải cảnh mang số hiệu 3210 của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc (Ảnh: Chinanews)

Lực lượng cảnh sát biển trên thế giới thường không được coi trọng như lực lượng hải quân. Sứ mệnh của lực lượng này, bao gồm thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm và cứu hộ, thường không phô diễn khả năng tác chiến hùng mạnh như lực lượng hải quân, mặc dù ở một số nước như Mỹ, lực lượng cảnh sát biển cũng là một bộ phận của quân đội.

Tuy nhiên, National Interest dẫn nội dung bài viết của Robert Beckhusen, đăng trên trang Warisboring, cho biết lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ. Khác với xu hướng chung, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có phần mạnh mẽ và mang tính chiến đấu cao hơn. Đặc biệt, họ có một vũ khí lợi hại được sử dụng trên các vùng biển tranh chấp, đó là tàu hải cảnh CCG3210, tiền thân là tàu Ngư chính 310.

Được chế tạo vào năm 2010, tàu hải cảnh CCG3210 là tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, có lượng giãn nước là 2.580 tấn, được trang bị súng máy, pháo hạm cỡ nhỏ và có thể được trang bị thêm các hệ thống tác chiến tối tân với khả năng gây nhiễu thông tin. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng tàu này chủ yếu trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động lấn chiếm, bồi đắp và xây dựng trái phép nhằm theo đuổi những yêu sách phi lý và bành trướng của nước này.

Kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng, tàu hải cảnh CCG3210 đã nhiều lần ghi dấu ấn với các lực lượng cảnh sát biển nước ngoài.

Tháng 3/2013, tàu tuần tra Hiu Macan 001 của Indonesia đã ngăn chặn và bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp với Indonesia, cách quần đảo Natuna khoảng 200 km về phía tây bắc. Natuna là quần đảo mà Indonesia tuyên bố chủ quyền, do vậy phía Indonesia tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đã hoạt động trái phép trong vùng biển của họ. Tàu tuần tra Hiu Macan 001 ngay lập tức tiến hành bắt giữ và lai dắt tàu cá Trung Quốc đưa vào đất liền.

Vài giờ sau, một tàu khác của Trung Quốc, với tầm vóc lớn hơn tàu cá bị bắt rất nhiều, bất ngờ xuất hiện. Đó chính là tàu hải cảnh CCG3210. Con tàu khổng lồ này đã phát tín hiệu với tàu Hiu Macan 001, yêu cầu phía Indonesia trao trả ngư dân bị bắt cho Trung Quốc. Đột nhiên, thuyền trưởng tàu Hiu Macan 001 phát hiện ra hệ thống vệ tinh liên lạc của tàu Indonesia đã bị vô hiệu hóa. Trong hoàn cảnh bị đe dọa bởi một tàu lớn và hung hãn hơn, trong khi không thể liên lạc được với sở chỉ huy, thuyền trưởng tàu Hiu Macan 001 đành chấp nhận với yêu cầu thả người từ phía Trung Quốc. Điều đáng nói là, hệ thống vệ tinh liên lạc của tàu Hiu Macan 001 đã trở lại hoạt động như cũ sau khi tàu hải cảnh CCG3210 rời đi cùng các ngư dân Trung Quốc.

Tàu ngư chính 310, tiền thân của tàu hải cảnh CCG3210 (Ảnh: Chinanews)
Tàu ngư chính 310, tiền thân của tàu hải cảnh CCG3210 (Ảnh: Chinanews)

Những hành động can thiệp trắng trợn trên Biển Đông

Theo chuyên gia phân tích Bentley, vụ việc trên của tàu Hiu Macan 001 cùng với một số vụ việc khác xảy ra trước đó, cho thấy “đây là những vụ việc điển hình xảy ra trên Biển Đông liên quan đến việc đe dọa sử dụng vũ lực trực tiếp của một tàu hành pháp Trung Quốc, được thực hiện với ý đồ rõ ràng nhằm đe dọa hoặc cưỡng ép các tàu chấp pháp của nước khác phải từ bỏ năng lực thực thi pháp luật trên biển mà họ được giao phó từ đầu”.

Hồi tháng 3 năm nay, một tàu tuần tra khác của Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc tại vùng biển cách quần đảo Natuna chưa đầy 5 km. Theo quy định của Liên Hợp Quốc, khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi lãnh hải, thuộc chủ quyền của Indonesia.

Cũng giống như các vụ việc trước đây, lực lượng cảnh sát Indonesia đã tiến hành bắt giữ và đưa toàn bộ số thuyền viên Trung Quốc lên tàu, sau đó dùng dây cáp buộc vào đuôi tàu để kéo tàu Trung Quốc vào bờ. Tuy nhiên trên đường đi, hai tàu hải cảnh Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, trong đó có một tàu chiến cỡ lớn, màu trắng… với bề ngoài rất giống tàu CCG3210, tờ Diplomat cho biết.

“So sánh bằng mắt thường về bề ngoài của tàu đó với những tàu hải cảnh khác của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông, đó gần như chắc chắn là tàu CCG3210”, tờ Diplomat cho biết thêm.

Con tàu được cho là tàu hải cảnh CCG3210 ngay lập tức lao thẳng tới đâm sầm vào tàu cá Trung Quốc để giải thoát tàu này khỏi dây cáp của tàu cảnh sát biển Indonesia, vốn đang được sử dụng để lai dắt tàu Trung Quốc vi phạm vào bờ.

“Chúng tôi muốn tránh một sự cố nghiêm trọng, vì vậy chúng tôi đã thống nhất thả tàu cá Trung Quốc và chỉ giữ lại 8 thuyền viên vi phạm trên tàu của chúng tôi để phục vụ công tác điều tra sau đó”, Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti kể lại.

Về phía Trung Quốc, nước này bao biện rằng khu vực xung quanh quần đảo Natuna là một phần thuộc “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, do vậy việc các ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại khu vực đó không được coi là xâm phạm lãnh hải Indonesia.

Tàu hải cảnh CCG3210 có thể tiến hành các hoạt động ngang ngược như vậy với kĩ năng thuần thục. Ngoài ra, các tàu này cũng có thể được triển khai tới các vùng biển cách xa đất liền. Đó là lý do vì sao lực lượng cảnh sát biển Indonesia hiện nay luôn để mắt tới tàu hải cảnh CCG3210 để tránh các sự cố ngoài ý muốn.

Thành Đạt

Theo National Interest