1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc thêm ác cảm, bớt bạn bè vì biển Đông

Cả Malaysia và Indonesia đều phản ứng gay gắt trước những hoạt động gây hấn trên biển Đông của Trung Quốc.

Malaysia cảnh giác với Trung Quốc trên biển Đông

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết, các tàu của Trung Quốc đã từng xuất hiện nhiều lần tại bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thành phố dầu mỏ Miri.

Cụ thể, một sĩ quan trên tàu tuần tra của Malaysia cho biết ông cảm thấy bị sốc khi một tàu lớn hú còi ầm ĩ và hướng thẳng về phía tàu Malaysia với tốc độ cao, trước khi những người trên tàu của Malaysia nhìn thấy rõ dòng chữ “Hải cảnh Trung Quốc” trên thân tàu.

“Hành động lao tàu như vậy trông giống như đang tấn công thuyền của chúng tôi, có thể để đe dọa” – một nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters một đoạn video ghi lại một vụ xảy ra trước đây nhưng chưa từng được báo cáo.

Một tướng cấp cao cho biết Malaysia cần phải cứng rắn trước các cuộc xâm nhập trên biển trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng khắp biển Đông.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, do bị phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nên Malaysia thường phản ứng yếu ớt đối với hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực biển Đông.

Còn nhớ hồi năm 2013 và 2014, Bắc Kinh từng tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân ở bãi cạn James, cách bờ biển Sarawak chưa tới 50 hải lý nhưng Malaysia đã bỏ qua việc này.

Thậm chí hồi năm 2015, việc ngư dân Malaysia ở Miri bị những người đàn ông có vũ trang trên tàu Cảnh sát biển Trung Quốc bắt nạt, cũng bị làm ngơ.

Các tàu của Tuần duyên Malaysia trong một đợt tuần tra trên Biển Đông - Ảnh: MMEA
Các tàu của Tuần duyên Malaysia trong một đợt tuần tra trên Biển Đông - Ảnh: MMEA

Sự kiện khiến Malaysia bừng tỉnh và có những phản ứng mạnh mẽ đó là việc hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện lấn tới cụm bãi cạn South Luconia, phía Nam của quần đảo Trường Sa hồi tháng 3 năm nay.

Trước hành động gia tăng căng thẳng này, Malaysia đã triển khai tàu hải quân và triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích rõ vụ việc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng tàu đánh cá nước này đánh bắt bình thường ở “các vùng biển liên quan”. Chỉ một vài tuần sau đó, Malaysia công bố kế hoạch thiết lập một cơ sở điều hành hải quân gần Bintulu, phía Nam của Miri.

Theo ông Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, cơ sở này sẽ chứa máy bay trực thăng, máy bay do thám và một lực lượng đặc nhiệm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt phong phú của đất nước trước nguy cơ tấn công của phiến quân IS có trụ sở tại miền Nam Philippines, tức cách hàng trăm cây số về phía Đông Bắc.

Tuy nhiên một số quan chức và chuyên gia cho rằng hành vi trên biển Đông của Trung Quốc mới là nguyên nhân xâu xa dẫn đến những quyết định trên của Malaysia.

Trung Quốc bớt bạn

Ngoài Malaysia, mới đây những hành động ngang ngược của Trung Quốc tiếp tục vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Indonesia.

Thông báo của Hải quân Indonesia ngày 30/5 cho biết hôm 27/5, một tàu tuần tra của nước này đã chặn một tàu cá Trung Quốc đang xâm nhập trái phép và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna của Indonesia.

Đại tá Budi Amin, phát ngôn viên hải quân Indonesia cho biết, tàu này đã không chịu dừng hoạt động đánh bắt cá trước lệnh của hải quân Indonesia, tàu khu trục của Indonesia đã nổ súng vào tàu cá Trung Quốc.

Một tàu Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ hồi tháng 4 năm nay.
Một tàu Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ hồi tháng 4 năm nay.

Phát đạn của tàu khu trục bắn trúng vào đuôi tàu cá Trung Quốc, có số hiệu Gui Bei Yu-27088 và không ai trên tàu cá bị thương.

“Việc bắt giữ này là nhằm để cho thế giới thấy rằng Indonesia sẽ có hành động cứng rắn chống lại các tàu xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi” – ông Amin nói.

Đại tá Budi Amin còn cho biết thêm là Indonesia tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn của quốc tế trong việc ứng xử với các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của họ, bao gồm cả việc giương cờ cảnh báo, liên lạc nhắc nhở và bắn cảnh cáo.

Căng thẳng ngoại giao Indonesia - Trung Quốc gia tăng hồi tháng 3 năm nay, khi hai nước đối đầu liên quan đến một tàu cá ở vùng biển ngoài khơi Natuna.

Tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt với cáo buộc đánh bắt trái phép, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Indonesia tấn công tàu khi nó đang ở “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Vụ việc sau đó được giải quyết và được xác định là "sự hiểu lầm" giữa hai nước.

Rõ ràng với những hành động gây hấn trên biển Đông, Bắc Kinh đang thêm thù bớt bạn và trở thành mối đe dọa với nhiều nước trong khu vực.

Theo Hồng Sơn (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm