1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Sát thủ vô hình" ở chiến tuyến Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tác chiến điện tử đang trở thành "vũ khí vô hình" có thể chi phối cục diện xung đột giữa Nga và Ukraine khi cuộc chiến đang ở giai đoạn quyết định.

Sát thủ vô hình ở chiến tuyến Nga - Ukraine - 1

Một hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga (Ảnh: BI).

Ở chiến trường Ukraine, một hành động dù rất đơn giản như bật nguồn điện thoại cũng bị coi là nguy hiểm, bởi rất có thể sau đó hỏa lực từ trên trời dội xuống. Các thiết bị điện tử khác như radar phản pháo và hệ thống điều khiển máy bay không người lái (UAV) khi hoạt động đều có nguy cơ kéo theo những cuộc tập kích dữ dội. Đó là tác chiến điện tử mà Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Công nghệ tác chiến điện tử nhằm vào các hệ thống liên lạc, định vị, dẫn đường để xác định mục tiêu, đánh lừa đối phương và tạo ra các đòn tấn công trực tiếp. Công nghệ này thường được dùng để tấn công các khẩu pháo, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và một số loại khí tài khác của đối phương. Ngoài ra, quân đội các nước cũng sử dụng tác chiến điện tử để bảo vệ lực lượng của mình.

Về điều này, Nga có lợi thế hơn so với Ukraine dù không thể hiện nhiều ở giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nó chỉ phổ biến hơn ở giai đoạn hai của chiến dịch diễn ra ở miền Đông Ukraine, nơi các tuyến đường tiếp tế trở nên ngắn hơn cho phép Nga di chuyển các thiết bị tác chiến điện từ đến gần chiến tuyến hơn.

"Họ gây nhiễu mọi thứ mà hệ thống của họ có thể tiếp cận. Chúng tôi không nói họ đang thống trị, song họ cản trở chúng tôi rất nhiều", một thành viên đội trinh sát Aerorozvidka của quân đội Ukraine.

Một quan chức tình báo Ukraine gọi tác chiến điện tử của Nga là "mối đe dọa rất nghiêm trọng" bởi nó có thể làm gián đoạn các nỗ lực do thám, liên lạc giữa các chỉ huy quân đội với binh sĩ. Ông nói, Nga gây nhiễu thiết bị thu GPS trên các máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí của đối phương và chỉ thị mục tiêu trực tiếp cho pháo binh.

Sát thủ vô hình ở chiến tuyến Nga - Ukraine - 2

Nga hiện vẫn chưa thể giành ưu thế trên không ở chiến trường Ukraine. Trong ảnh: Một pháo phản lực của Nga (Ảnh: Getty).

Chiến tranh điện tử gồm 3 thành tố cơ bản: trinh sát, tấn công và bảo vệ. Trước tiên, với hoạt động trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử thu thập thông tin tình báo qua định vị tín hiệu điện tử của đối phương. Với hoạt động tấn công, lực lượng tác chiến điện tử sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc qua vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh. Thứ ba là đánh lừa đối phương để đạn bắn trượt mục tiêu.

"Tác chiến ở một chiến trường hiện đại mà không có thông tin, dữ liệu là điều vô cùng thách thức. Gây nhiễu có thể nhanh chóng làm mù một máy bay quân sự một cách nhanh chóng, đặc biệt nguy hiểm khi máy bay mất hệ thống GPS và radar khi đang bay với vận tốc gần 1.000km/h", Laurie Buckhout, cựu sĩ quan chuyên về tác chiến điện tử của quân đội Mỹ, nhận định.

Ukraine được cho là đã đạt được một số thành công trong việc ngăn chặn các nỗ lực tác chiến điện tử của Nga. Ukraine đã thu được hoặc phá hủy một số khí tài tác chiến điện tử của Nga, trong đó có ít nhất hai đơn vị tác chiến điện tử di động. Trong khi đó, rất khó để đánh giá năng lực tác chiến điện tử của Ukraine. Giới phân tích tin rằng, năng lực này của Kiev đã được cải thiện đáng kể từ năm 2014 khi chiến sự miền Đông nổ ra và Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea.

Ngoài ra, Ukraine cũng sử dụng hiệu quả công nghệ và thông tin tình báo từ Mỹ và các nước thành viên NATO khác. Thông tin đó được cho là đã giúp Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva của Nga. Các vệ tinh và máy bay trinh sát của các đồng minh này cũng hỗ trợ từ xa.

Giới chức Ukraine cho biết, năng lực tác chiến điện tử của họ đã được nâng cao rõ rệt từ năm 2015. Các năng lực này bao gồm sử dụng thiết bị liên lạc mã hóa của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để giành ưu thế chiến thuật.

Trong cuộc xung đột hiện nay, lực lượng trinh sát Aerorozvidka của Ukraine đã gắn thêm các camera cho máy bay không người lái để định vị mục tiêu của đối phương trước khi thả pháo cối hay lựu đạn. Tấn công mạng cũng là một cách thức để xâm nhập hoặc vô hiệu hóa hệ thống điện tử của đối phương cũng như thu thập thông tin tình báo.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, đến nay Nga vẫn chưa sử dụng triệt để và hiệu quả năng lực tác chiến điện tử, dẫn đến việc họ khó giành kiểm soát trên không khi không phá hủy được nhiều hệ thống phòng không của Ukraine.

Hiện chưa rõ Nga triển khai bao nhiêu khí tài và đơn vị tác chiến điện tử tại Ukraine. Các chuyên gia phương Tây nhận định, mỗi nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga, gồm khoảng 1.000 quân nhân, được trang bị một đơn vị tác chiến điện tử. Theo Lầu Năm Góc, Nga hiện có khoảng 110 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn ở Ukraine.

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine