"Sát thủ trên không" hiệu quả nhất của Nga trở nên đáng gờm hơn
(Dân trí) - Giới quan sát phương Tây nhận định Nga được cho đã trang bị cho UAV Lancet tính năng tấn công mục tiêu bằng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp vũ khí này hiệu quả hơn nữa trong tác chiến.
Forbes đưa tin, Nga dường như đã tích hợp trí tuệ nhân tạo lên UAV tự sát Lancet, cho phép dòng vũ khí này trở nên nguy hiểm hơn nữa với mục tiêu của Ukraine.
Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy Lancet đã có tính năng khóa mục tiêu, hiện rõ tên của vũ khí bị khóa trên màn hình điều khiển. Forbes nhận định, Lancet dường như đã được trang bị khả năng tự nhận dạng mục tiêu để tấn công. Nếu Lancet được trang bị AI, vũ khí này sẽ càng trở nên đáng gờm hơn nữa trong tương lai.
Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, UAV Lancet được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Trong khi một số vũ khí khác của Nga thể hiện ở mức dưới tầm kỳ vọng thì Lancet đang thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.
Theo ông Hambling, Lancet được xem là vũ khí hiệu quả nhất của Nga trong thời gian qua. Thiệt hại mà Lancet gây ra cho Ukraine nhiều hơn hàng loạt vũ khí khác mà Nga sở hữu. Thứ nhất, Lancet có giá khá hợp lý nên Nga có thể sử dụng chúng với số lượng lớn. Thứ 2, khả năng tấn công chính xác của Lancet đã được chứng minh trên chiến trường.
Cho tới nay, mục tiêu Lancet tấn công nhiều nhất chính là pháo binh Ukraine, bao gồm cả pháo tự hành. Theo Viện RUSI (Anh), Nga giờ đây sử dụng Lancet như vũ khí phản pháo.
Hệ thống tự nhận dạng mục tiêu mới của Lancet có ưu điểm là sẽ giúp UAV tác chiến nhanh hơn và tin cậy hơn là chờ binh sĩ xác nhận bằng mắt thường. Ngoài ra, nếu Lancet có thể chủ động tác chiến, kể cả Ukraine có làm nhiễu kết nối giữa UAV và người chỉ huy, Lancet vẫn tấn công được mục tiêu.
Trước đó, truyền thông Nga từng đưa tin về việc nước này đã bắt đầu tích hợp AI lên Lancet để UAV này có thể tuần tra các khu vực cụ thể và dựa trên các thuật toán tích hợp, chủ động tấn công các mối đe dọa, làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi của người vận hành và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Lancet được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.
Ngoài ra, vật liệu và lớp sơn của UAV Lancet còn giúp loại vũ khí hiện đại này miễn nhiễm với các loại vũ khí đánh chặn bằng tia laser. Quân đội Nga cũng khẳng định UAV Lancet có thể được cải tiến để trở thành những hệ thống "mìn trên không" nhằm vào các máy bay không người lái của quân đội Ukraine.
Moscow liên tục cập nhật Lancet để thích nghi với tình hình chiến trường. Ví dụ, phiên bản cũ của Lancet nặng 11kg có thể hoạt động tối đa tới 40km. Nga gần đây đã nâng cấp Lancet lên phiên bản mới có tầm bắn 80km.
Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự.
Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ nên gần như tàng hình trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.