1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Sát thủ giấu mặt" của Nga phá hủy hàng loạt tăng thiết giáp Ukraine

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

(Dân trí) - Mìn, được gọi là "sát thủ giấu mặt", nếu được dùng khôn khéo sẽ là một cách rất rẻ và hiệu quả để ngăn chặn hoặc làm giảm tốc độ tấn công của bất kỳ lực lượng hùng mạnh nào.

Sát thủ giấu mặt của Nga phá hủy hàng loạt tăng thiết giáp Ukraine - 1

Các phương tiện rà phá mìn Ukraine bị phá hủy trước tiền duyên phòng ngự của Nga ở mặt trận Zaporizhia (Ảnh: Cắt từ video của BQP Nga).

Trong hơn một tuần phản công vừa qua, lực lượng cơ giới Ukraine bị thiệt hại tương đối nặng khi tiến vào tuyến phòng ngự đầu tiên của Nga. Một trong những "sát thủ" của Nga khiến xe tăng, thiết giáp Ukraine bị phá hủy nhiều là mìn.

Đây là loại vũ khí được chế tạo để làm hư hỏng hay phá hủy các phương tiện, xe cơ giới như xe tăng, xe thiết giáp... Chúng thường được bên phòng ngự bố trí trước tiền duyên nhằm ngăn cản bước tiến của bên tấn công.

Với nhiều chủng loại, có thiết kế đa dạng và sức công phá ngày càng cao, mìn chống tăng được mệnh danh "sát thủ giấu mặt" của xe tăng, thiết giáp.

Không thể xem nhẹ dù vỏ thép có dày 

Mìn chống tăng hiện nay đã tương đối phát triển và có nhiều chủng loại khác nhau từ khối lượng thuốc nổ, kết cấu khối thuốc nổ, phương thức gây nổ...

Tuy nhiên, thông dụng và phổ biến nhất là loại "đè nổ", có khối lượng thuốc nổ mạnh 5-12kg, thường được chôn sâu dưới đất khoảng 30cm, khi xe tăng đè lên sẽ kích nổ.

Đối với xe tăng hạng nhẹ, chúng có thể làm thủng bụng xe và gây thương vong cho kíp vận hành, thậm chí phá hủy hoàn toàn phương tiện.

Đối với xe tăng hạng trung, hạng nặng, mìn sẽ làm đứt xích, bay bánh đỡ nặng, biến dạng đáy xe... làm phương tiện mất sức chiến đấu. Những loại có trọng lượng thuốc nổ trên 10kg có thể làm thủng bụng xe tăng hạng trung.

Ngoài mìn đè nổ, quân đội các nước còn sáng tạo ra nhiều loại khác như mìn đột từ nóc xe, mìn nam châm, mìn dùng thuốc nổ lõm... Những loại này có đủ khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa cả xe tăng hạng nặng.

Chính vì vậy, người ta mệnh danh các loại mìn chống tăng là "sát thủ giấu mặt" của xe tăng, thiết giáp. Chúng là cánh tay đắc lực cho bên phòng ngự ngăn chặn bên tiến công, nhất là khi bên phòng ngự có đủ thời gian xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc của mình.

Về cách sử dụng phổ biến nhất là bố trí trên những đoạn đường mà đối phương buộc phải đi qua hoặc cài thành bãi mìn trước tiền duyên phòng ngự. Những bãi này nếu không trực tiếp phá hủy xe tăng, thiết giáp thì cũng kìm hãm tốc độ của bên tiến công, tạo điều kiện cho các hỏa lực khác tiêu diệt.

Sát thủ giấu mặt của Nga phá hủy hàng loạt tăng thiết giáp Ukraine - 2

Tăng thiết giáp Ukraine thiệt hại nặng nề ở Zaporizhia (Ảnh: Cắt từ video BQP Nga).

Hóa giải, vô hiệu hóa bãi mìn như thế nào?

Mặc dù nguy hiểm như vậy song bên tiến công cũng không hoàn toàn thúc thủ mà cũng có những giải pháp để vô hiệu hóa các bãi mìn mà bên phòng ngự bố trí để cản bước họ.

Thông thường, nếu tiến hành chiến dịch hoặc trận đánh binh chủng hợp thành, nhiệm vụ hóa giải, vô hiệu hóa mìn cũng như khắc phục các loại vật cản khác sẽ được giao cho lực lượng công binh.

Để hóa giải các bãi mìn thường có mấy giải pháp sau:

Gỡ thủ công

Đây là cách hóa giải cổ xưa nhất. Trong đó, các chiến sĩ công binh sẽ dùng tay, dùng mắt với sự hỗ trợ của máy dò kim loại và các dụng cụ thô sơ để tháo gỡ, vô hiệu hóa từng quả mìn một.

Nhìn chung, phương pháp này khá chậm và do phải triển khai sớm nên dễ dẫn đến lộ ý đồ và hướng tiến công. Trong chiến tranh hiện đại, người ta ít khi dùng giải pháp này.

Vô hiệu hóa bằng các công cụ cơ giới

Đây là giải pháp khá thông dụng hiện nay, nhất là khi cần mở đường cho các phương tiện chiến đấu cơ giới như xe tăng, thiết giáp đi qua.

Trong trường hợp này, người ta thường cải tiến một số xe chiến đấu thành xe phá mìn chuyên dụng, chẳng hạn xe Keiler của Đức. Cũng có khi người ta gắn luôn dụng cụ rà phá vào xe chiến đấu rồi cho xe đó đi đầu để mở đường.

Song không phải xe tăng nào cũng có thể làm được nhiệm vụ trên. Chỉ có các xe được gia công những hàng ốc cỡ lớn ở tấm giáp trước phía dưới mới đảm đương được nhiệm vụ đó. Tỷ lệ trong đội hình thông thường là từ 1 tới 2 xe phá mìn cho mỗi đại đội.

Các công cụ dùng để phá mìn gắn vào phương tiện cơ giới thường là con lăn kim loại hoặc lưỡi gạt.   

Sử dụng con lăn: Đó là bộ 2 cụm con lăn chuyên dụng, bao gồm các con lăn bằng thép lắp ghép với nhau và được lắp vào đầu xe tăng mở đường ở phía trước 2 vệt xích. Phía sau cụm con lăn là các lưỡi dao. Nối giữa 2 cụm con lăn là một dây xích được bọc trong ống thép.

Khi chạy, xe tăng đẩy 2 cụm con lăn tới trước. Nếu gặp mìn hai con lăn này sẽ đè lên chúng và gây nổ. Các quả không nổ sẽ bị các lưỡi cắt phía sau đẩy ra hai bên. Dây xích nối giữa 2 cụm con lăn sẽ gây nổ đối với những quả mìn có ngòi nổ kích nổ bằng cần gạt. Nhờ vậy, hai vệt đường phía trước 2 dải xích với chiều rộng 730- 810mm sẽ được làm sạch. Tốc độ rà phá: 6-12km/h.

Nhờ kết cấu có các bản lề nên khi mìn nổ con lăn không bị phá hủy mà chỉ bị hất tung lên rồi lại rơi xuống tiếp tục làm nhiệm vụ. Mỗi cụm con lăn có thể chịu được 4-12 lần nổ tùy thuộc vào loại mìn.

Thời gian lắp bộ con lăn khoảng 30-40 phút. Thời gian tháo toàn bộ 8-13 phút. Trường hợp cần thiết có thể tự động tháo bỏ 2 cụm con lăn chỉ bằng 1 nút bấm mà không phải ra ngoài xe.

Sử dụng thiết bị gạt: Đó là 2 cụm lưỡi gạt bằng thép có nhiều răng, hình dạng giống lưỡi cày máy có hướng xoắn ra phía ngoài và được lắp vào đầu xe phía trước 2 dải xích.

Khi xe chạy, hai lưỡi gạt này sẽ cày sâu vào lòng đất phía trước 2 dải xích khoảng 30cm và hất các quả mìn được bố trí dưới đó ra phía ngoài. Chiều rộng dải đường được làm sạch là 600mm. Tốc độ quét: 6-12km/h. Thời gian tháo lắp khoảng 15-20 phút.

Ưu điểm của phương pháp này là tốc độ khá nhanh và lực lượng xe tăng, thiết giáp có thể tự mình mở đường qua bãi mìn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là bộc lộ hướng tiến công. Và nếu bên phòng ngự diệt được xe quét mìn sẽ gây ùn tắc đội hình.

Đây chính là phương pháp mà quân đội Ukraine đã sử dụng khi bắt đầu cuộc phản công những ngày vừa qua tuy nhiên chưa chứng tỏ được hiệu quả.

Có tới 3 xe Leopard 2R cùng một số phương tiện phá mìn chuyên dụng khác của Ukraine bị phá hủy hoặc bỏ lại trước chiến tuyến Nga ở Zaporizhia.

Sát thủ giấu mặt của Nga phá hủy hàng loạt tăng thiết giáp Ukraine - 3

Xe phá mìn Leopard 2R của Ukraine bị phá hủy hoặc bỏ lại trước chiến tuyến Nga ở Zaporizhia (Ảnh: Cắt từ video của BQP Nga).

Phá bằng bộc phá ống

Đây là loại bộc phá ống chuyên dụng, được nhồi trong các ống nhôm dài 1 mét, hai đầu có "ren".

Khi dùng, người ta nối chúng lại với nhau thành ống dài tương đương chiều dài bãi mìn, sau đó liên kết 3 ống lại với nhau theo hình tam giác: 2 ống ở dưới, 1 ống ở trên, phía đầu ống có bánh xe dẫn hướng.

Cả khối này được 1 xe tăng đẩy vào bãi mìn và kích nổ. Sức nổ của khối bộc phá này sẽ kích nổ tất cả các loại mìn trong chiều rộng 2- 2,5 mét tính từ tâm ra.

Phá bằng thiết bị phá rào FRA

Thiết bị gồm một động cơ tên lửa, giá phóng tên lửa, dây cáp, dây mềm chịu lực kéo, lò xo, cọc neo các ống bộc phá chứa thuốc nổ mạnh và các móc buộc vào dây cáp mềm.

Khi phát hỏa, động cơ tên lửa kéo theo một dây cáp mềm gắn liền với hàng chục ống bộc phá bay về phía trước. Đến cự ly đã định, cả động cơ tên lửa và toàn bộ số ống bộc phá bị cọc neo giữ lại, theo quán tính số bộc phá được rải đều trên diện rộng và phát nổ.

Nhờ vậy, FRA phá được hàng rào dây thép gai trên mặt đất, mở cửa rộng từ 5-6m, chiều sâu từ 70-75m. Ngoài khả năng phá tung các hàng rào bùng nhùng, FRA còn làm kích nổ các loại mìn trên đường nó đi qua.

Có thể nói các giải pháp vô hiệu hóa bằng thuốc nổ (cách 3 và 4) là tối ưu đối với bên tiến công, phản công. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi thiết bị, phương tiện khá cồng kềnh và thường chỉ trang bị cho các đơn vị công binh chuyên dụng.

Mìn - "sát thủ giấu mặt", nếu biết sử dụng một cách khôn khéo sẽ là một phương cách rất hiệu quả, rẻ tiền để ngăn chặn hoặc làm giảm tốc độ của bất kỳ lực lượng tiến công nào dù hùng mạnh đến đâu.