Lý do lữ đoàn "nắm đấm thép" của Ukraine thiệt hại nặng khi phản công
(Dân trí) - Các "nắm đấm thép" của Ukraine do NATO huấn luyện và trang bị vũ khí đã hứng tổn thất lớn khi tham chiến. Lữ đoàn 47 chịu thiệt hại nặng nhất khi mất gần hết thiết giáp Mỹ và xe tăng Leopard của Đức.
Lữ đoàn 47 "nắm đấm thép" của Ukraine thiệt hại nặng
Về mặt viện trợ quân sự cho Kiev, Mỹ chắc chắn luôn đi đầu. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden mặc dù khá hào phóng, nhưng điều thú vị là họ luôn trì hoãn việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams tiên tiến cho Ukraine.
Giờ đây, sau khi chứng kiến màn trình diễn của quân đội Ukraine trên chiến trường trong cuộc phản công lớn kéo dài cả tuần, sẽ có người phải thở dài: "Chính quyền của ông Biden quả là quá thực dụng".
Lý do rất đơn giản, chiến thuật sử dụng lực lượng cơ giới chưa tốt của quân đội Ukraine, đã khiến Đức, một quốc gia hùng mạnh trong ngành công nghiệp xe tăng, bị ảnh hưởng ít nhiều.
Zaporizhia là hướng chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc phản công của Kiev. Tại đây, lữ đoàn cơ giới 47 của quân đội Ukraine là một trong những đơn vị chủ lực dẫn dắt mũi phản công.
Đây là một trong 9 lữ đoàn Ukraine mới được thành lập, do NATO huấn luyện và trang bị vũ khí cao cấp có xuất xứ từ NATO. Những đơn vị này được ví như những "nắm đấm thép" dẫn dắt cuộc phản công đang diễn ra.
Trong các vũ khí tối tân ấy, có thể thấy xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 được ví như siêu xe tăng và phiên bản Leopard 2A4 kém hiện đại hơn, đều do Đức sản xuất, xe chiến đấu bộ binh M2A2 của Mỹ, xe chiến đấu bộ binh bánh lốp VAB của Pháp,...
Tuy nhiên, cách đánh của Lữ đoàn 47 thực sự không hiệu quả khi họ đã để những phương tiện chiến đấu hạng nặng khá hiện đại này bị tổn thất và lãng phí trên chiến trường.
Tại mặt trận Zaporizhia, đánh giá từ các hình ảnh chiến trường do phía Nga công bố, tổn thất của lực lượng Ukraine có thể lên tới 12 xe tăng Leopard 2 cùng hàng chục xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới khác bị phá hủy hoặc bị bỏ lại.
Vì sao vũ khí hạng nặng, hiện đại của Ukraine bị phá hủy nhiều đến thế?
Thứ nhất, quân đội Ukraine đang thiếu trầm trọng phương tiện cứu kéo nên họ không thể thu hồi về một số phương tiện bọc thép bị hỏng hóc do trục trặc, hoặc bị phá hủy, hư hại một phần nhưng vẫn còn có thể sửa chữa được.
Điều này làm cho một lượng lớn vũ khí hiện đại trị giá hàng triệu USD, trở thành vật tư tiêu hao dùng một lần.
Thứ hai, kỹ năng của binh lính sử dụng vũ khí hạng nặng của quân đội Ukraine chưa tốt và một số chiến thuật được áp dụng trong những ngày đầu là không hợp lý.
Quan sát kỹ các bức ảnh chiến trường do quân đội Nga công bố cho thấy, đội hình xe thiết giáp Ukraine quá dày đặc. Nói chung, khoảng cách giữa các xe của lực lượng thiết giáp khi cơ động thường là khoảng 50m, còn trong đội hình tấn công, cự ly giữa các xe thường giãn ra, lên khoảng 100m hoặc hơn.
Tuy nhiên, xe tăng và xe bọc thép của Ukraine rõ ràng là ở quá gần nhau, điều này không chỉ tạo điều kiện cho hỏa lực pháo binh và tên lửa chống tăng Nga có thể tiêu diệt cả loạt, mà các phương tiện bị tiêu diệt cũng sẽ trở thành chướng ngại vật, cản trở phạm vi di chuyển của các phương tiện bên cạnh.
Thứ ba, quân đội Ukraine thiếu vũ khí phòng không tự hành nhằm đảm bảo khả năng "che đầu" cho lực lượng tăng thiết giáp.
Theo thông tin chiến trường, phần lớn xe tăng, thiết giáp Ukraine đã bị trực thăng vũ trang phá hủy, đồng nghĩa với việc máy bay Nga hoạt động với mật độ rất cao, tuy nhiên Ukraine gần đây không thông báo có chiếc trực thăng vũ trang của Nga nào bị bắn hạ.
Phòng không Ukraine hoạt động kém hiệu quả nên lực lượng tăng thiết giáp Ukraine tấn công chẳng khác nào những "cảm tử quân" lao thẳng về phía tuyến phòng thủ của Nga mà chẳng có "ô phòng không" bảo vệ.
Có lẽ ngoài việc cung cấp xe tăng, các nước NATO sẽ phải tính đến khả năng chuyển giao cho quân đội Ukraine nhiều vũ khí phòng không tự hành hơn nữa mới ngăn được thiệt hại.
Đòn trả đũa của Nga
Tất nhiên, theo quan điểm của phía Nga, việc họ có thể tiêu diệt nhiều phương tiện bọc thép phương Tây với hiệu suất cao trên chiến trường Ukraine chắc chắn là một đòn "trả đũa cho quá khứ".
Nhớ lại Chiến tranh vùng Vịnh đầu thập niên 1990, các loại xe tăng do Liên Xô sản xuất, được quân đội Iraq sử dụng, đều bị xe tăng, trực thăng và máy bay cường kích của liên quân phương Tây phá hủy.
Trong các trận chiến đó, nhiều xe tăng T-72 đã bị phá hủy, khiến danh tiếng của loại xe tăng nổi tiếng này bị ảnh hưởng, gây khó cho việc xuất khẩu xe tăng do Nga sản xuất trong suốt 30 năm.
Còn hiện tại, những chiếc xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hiện đại phương Tây cũng đã tổn thất, những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới như biệt danh phương Tây thường ca ngợi, là Leopard 2 của Đức, trong tay người Ukraine cũng đã được nếm mùi hỏa lực Nga.
Việc xuất khẩu loại xe tăng này của Đức trong tương lai cũng có thể ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhìn xe tăng Leopard 2 bị phá hủy và hư hỏng, rất có thể người Đức hiểu hơn sự thực dụng của Mỹ, khi những chiếc xe tăng M1A1 mà Washington hứa viện trợ cho Ukraine, vẫn tiếp tục ở trong giai đoạn nâng cấp.
Mặc dù thiệt hại nặng về tăng thiết giáp trong những ngày đầu phản công nhưng Ukraine thay đổi chiến thuật rất nhanh, không tổ chức những nhóm quân lớn với lực lượng cơ giới hùng hậu mà phân tán thành nhiều nhóm nhỏ cấp trung đội, đại đội.
Nhờ áp dụng chiến thuật mới, hiện nay lực lượng Ukraine đã giành được một số kết quả trên mặt trận Zaporizhia khi kiểm soát thành công một số vị trí tiền tiêu trong tuyến phòng thủ của Nga. Các "nắm đấm thép" cơ giới hạng nặng Ukraine đang tạm lùi về phía sau, chờ cơ hội, sẵn sàng xung trận khi cần.