Sắc lệnh bỏ luật "sinh ra ở Mỹ có quốc tịch Mỹ" của ông Trump bị chặn
(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump tìm cách bỏ luật người sinh ra ở Mỹ tự động có quốc tịch Mỹ đã đối mặt với rào cản pháp lý.
Vào ngày 23/1, một thẩm phán liên bang tuyên bố rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh là "rõ ràng vi hiến" và ban hành lệnh cấm tạm thời để ngăn chặn thực thi.
Thẩm phán John Coughenour, người được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và đang làm việc tại Seattle, đã chấp thuận yêu cầu của Tổng Chưởng lý bang Washington, Nick Brown, cùng 3 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, về lệnh cấm khẩn cấp ngăn chính sách này được thực hiện trong 14 ngày tới để có thêm các phiên điều trần pháp lý.
Theo quy định lâu nay của Mỹ, bất kỳ trẻ em nào sinh ra tại Mỹ đều được công nhận là công dân nước này, bất kể tình trạng pháp lý của cha mẹ chúng. Quyền công dân này được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/1 đã ký sắc lệnh nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ.
Sắc lệnh của ông Trump yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối công nhận quyền công dân Mỹ đối với trẻ em sinh ra tại Mỹ, nếu mẹ của đứa trẻ ở lại bất hợp pháp hoặc không có thị thực hợp pháp, và cha không phải là công dân Mỹ hay thường trú nhân hợp pháp.
Sắc lệnh này sẽ từ chối cấp quyền công dân Mỹ, bao gồm cả hộ chiếu, cho những trẻ em sinh ra tại Mỹ, nếu ít nhất một trong 2 phụ huynh không phải là công dân Mỹ hoặc sở hữu thẻ xanh. Sắc lệnh, nếu được thực thi, sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Thẩm phán Coughenour cho biết: "Tôi đã làm việc trên ghế thẩm phán hơn 4 thập niên. Tôi không nhớ trường hợp nào mà câu hỏi được đưa ra lại rõ ràng như vậy".
Ông đặt câu hỏi rằng "các luật sư đã ở đâu" khi quyết định ký sắc lệnh hành pháp của ông Trump được đưa ra, đồng thời nhấn mạnh rằng việc một thành viên của ngành luật coi sắc lệnh này là hợp hiến là điều "không thể hiểu nổi".
Các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo lập luận rằng sắc lệnh này vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
Ngoài tác động đối với cư dân của mình, các bang còn lập luận rằng việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh sẽ gây áp lực tài chính và hậu cần lên các chương trình của bang, vì những đứa trẻ này sẽ không được hưởng các quyền lợi liên bang mà đáng lẽ chúng sẽ được nhận.
Có khoảng 150.000 trẻ em sinh ra mỗi năm ở Mỹ với cha mẹ không phải là công dân và không có tình trạng pháp lý hợp pháp có thể bị mất quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, chăm sóc nuôi dưỡng, và các can thiệp sớm cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và học sinh khuyết tật.
Hàng chục bang đã đâm đơn kiện để chống lại sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng có điều khoản trong Tu chính án thứ 14 cho phép tổng thống ban hành sắc lệnh áp dụng lên con cái của những người nhập cư không có giấy tờ và thậm chí cả những người đang cư trú hợp pháp nhưng không có tình trạng thường trú nhân.