S-400 của Nga có thể khắc chế tên lửa Tomahawk của Mỹ?
(Dân trí) - Giới chức Nga đầu tuần này tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria. Tuyên bố này làm dấy lên câu hỏi liệu hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga ở Syria có thể ngăn các tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ từng dùng để tấn công Syria hay không.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/4 cảnh báo Nga hãy sẵn sàng bởi Syria sắp phải hứng các tên lửa “mới và thông minh”, giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể sắp tiến hành một vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria. Lần này Mỹ có thể sẽ lại sử dụng đến tên lửa hành trình Tomahawk, loại tên lửa Mỹ từng dùng để tấn công Syria hồi tháng 4 năm ngoái.
Tên lửa hành trình Tomahwak được biên chế cho Hải quân Mỹ kể từ những năm 1980. Đây là tên lửa hành trình tầm trung và được đưa vào thực chiến năm 1991 trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh.
Tomahawk có tầm tấn công khoảng 1.400km đến 2.600km và hoàn toàn có thể triển khai trên hơn 140 tàu ngầm và tàu hải quân Mỹ. Một trong những đặc điểm ưu việt của Tomahawk là có khả năng lập trình lại giữa hành trình bay.
Ngoài ra, bằng cách bay ở tầm thấp với tốc độ khoảng 900 km/h, tên lửa Tomahawk có thể vượt qua hầu hết các hệ thống radar và phòng không thông thường.
Một tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Pravda)
Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga bắt đầu được chế tạo từ năm 1993. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất của Nga được đưa vào biên chế.
Nga đã triển khai S-400 đến Syria kể từ năm 2015. Nga hiện có 2 tổ hợp S-400 ở Syria, một tổ hợp tại căn cứ không quân Hmeimmim và một tổ hợp khác gần căn cứ hải quân Tartus của Nga.
Hệ thống này bao gồm radar phức tạp với tầm hoạt động lên tới 600km và mạng lưới kiểm soát, cho phép tấn công đồng thời nhiều máy bay đối phương cùng lúc.
Mỗi tổ hợp S-400 gồm hàng chục tên lửa đánh chặn. Tên lửa đánh chặn dùng cho S-400 chủ yếu là loại 9M96, rất phù hợp để ngăn chặn tên lửa hành trình với xác xuất đánh trúng mục tiêu khoảng 70%.
“S-400 có khả năng đánh chặn các tên lửa đơn lẻ. Tuy nhiên, đối phương có thể dễ vô hiệu hóa năng lực đánh chặn của hệ thống này bằng cách tăng số lượng tên lửa cần thiết”, Justin Bronk, chuyên gia của Viện Royal United Services (RUSI) nhận định.
Chuyên gia này cũng dẫn chứng thêm, vụ tấn công bằng 60 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ năm ngoái vào căn cứ không quân Shayrat của Syria vượt ra ngoài khả năng đánh chặn của S-400.
Ngoài ra, về lý thuyết, S-400 được giới thiệu có thể đánh chặn tên lửa hành trình hay các mục tiêu ở cách xa 400km, song nhiều chuyên gia cho rằng nó chỉ có thể đánh chặn được tên lửa Tomahawk bay tầm thấp ở cự ly chỉ khoảng vài chục km.
"S-400 sẽ có những hạn chế về tầm hoạt động hiệu quả trong điều kiện thực chiến", trang tin Daily Beast dẫn lời ông Ted Postol, một chuyên gia về tên lửa thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Minh Phương
Theo Telegraph, Daily Beast