1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga phát triển vũ khí mới dựa trên tên lửa "bắn xịt" của Mỹ ở Syria

(Dân trí) - Nga sẽ phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mới sau khi nghiên cứu và thu thập thông tin từ 2 tên lửa hành trình Tomahawk “bắn xịt” mà Mỹ khai hỏa vào Syria hồi tháng 4.

Tên lửa được phóng đi từ tàu khu trục Mỹ trong vụ không kích Syria hôm 14/4. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tên lửa được phóng đi từ tàu khu trục Mỹ trong vụ không kích Syria hôm 14/4. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngày 14/4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã bắn 100 tên lửa vào Syria nhằm đáp trả cáo buộc Damascus tấn công bằng vũ khí hóa học. Quân đội Syria sau đó đã tìm thấy 2 tên lửa hành trình Tomahawk không phát nổ và bàn giao lại cho phía Nga.

Trả lời Sputnik, ông Vladimir Mikheev, cố vấn cao cấp của phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ điện tử KRET (Nga), cho biết tập đoàn này sẽ bắt tay vào phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới trong 3 năm tới dựa trên những dữ liệu phân tích từ tên lửa Tomahawk của Mỹ.

“Từ những nghiên cứu thu được (từ tên lửa), các nhiệm vụ kỹ thuật đang được chuẩn bị. Họ (các nhà sáng chế) sẽ cân nhắc các thông tin này để xây dựng những nguyên mẫu cho hệ thống tác chiến điện tử mới”, ông Mikheev nói.

Cố vấn này nhấn mạnh: “Có tên lửa này trong tay, chúng tôi có thể hiểu rõ được kênh thông tin liên lạc loại nào, hệ thống thông tin và quản trị ra sao cũng như hệ thống điều hướng và xác định tầm bắn. Khi biết được rõ ràng các thông số, chúng tôi sẽ có thể (tạo nên vũ khí) chống lại tên lửa hành trình này hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn nó triển khai tác chiến”

Bình luận về khoảng thời gian phát triển dự án vũ khí mới, ông Mikheev cho hay các hệ thống tác chiến điện tử khác thường mất khoảng 2-3 năm để hoàn tất và dự án này cũng không phải là ngoại lệ.

KRET là công ty cổ phần trực thuộc tập đoàn quốc phòng nhà nước ROSTEC. Đây là công ty có trách nhiệm phát triển và sản xuất công nghệ thiết bị, vũ khí vô tuyến điện tử cho quân đội và hàng loạt các sản phẩm phục vụ mục đích dân sự.

Đức Hoàng

Theo Sputnik