Nga bảo vệ Syria trước nguy cơ tấn công của Mỹ bằng cách nào?
(Dân trí) - Nga từng tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bay về phía Syria sau những cảnh báo cứng rắn của chính quyền Mỹ về khả năng xảy ra một cuộc không kích và Moscow cũng đã có sự chuẩn bị cho kịch bản đối đầu này.
Hệ thống phòng không
Các lực lượng quân sự Nga hiện đồn trú tại hai khu vực chính ở Syria là căn cứ không quân Khmeimim gần thành phố cảng Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus, phía bắc bờ biển Syria. Cả hai căn cứ này đều được bảo vệ bởi các tên lửa đất đối không tầm xa, bao gồm các hệ thống phòng không S-400 được triển khai gần Khmeimim và các hệ thống phòng không S-300VM bảo vệ quân cảng Tartus. Cả hai hệ thống này được cho là có tầm hoạt động lên tới 400 km, phụ thuộc vào từng loại tên lửa được sử dụng. S-400 và S-300VM cũng được đánh giá là những hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tốt nhất thế giới hiện nay.
Là hệ thống tên lửa được gắn trên xe phóng, mỗi xe mang 4 tên lửa với các tầm phóng khác nhau, S-400 có thể được triển khai dễ dàng và nhanh chóng tới bất kỳ địa điểm nào tại Syria. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu, từ máy bay quân sự, tên lửa và thiết bị bay không người lái. Radar của S-400 có thể phát hiện các mục tiêu trong tầm hoạt động lên tới 600 km. NATO vẫn luôn xem S-400 là vũ khí không thể xem thường của quân đội Nga.
Liên quan tới khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về việc liệu Nga có đủ hệ thống phòng không tại Syria để đối phó với hàng loạt tên lửa được phóng tới Syria cùng một lúc hay không. Trong trường hợp này, Moscow được cho là sẽ phải phối hợp cả S-400 và S-300 để phát huy tối đa năng lực đánh chặn.
Bổ sung sức mạnh cho các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và S-300 là các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hơn, bao gồm tên lửa tầm trung Buk-M2 và tên lửa tầm ngắn Pantsir S1. Hai hệ thống tên lửa này tạo thành nhiều lớp lá chắn khác nhau, bảo vệ các mục tiêu chiến lược trước các mối đe dọa từ máy bay không người lái cỡ nhỏ cho tới các máy bay tầm thấp hoặc thậm chí tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Điểm yếu của các hệ thống phòng không tầm xa của Nga là khả năng phát hiện mục tiêu, trong đó đòi hỏi phải có thêm radar bổ sung. Tuy nhiên tại Syria, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại vì Nga có thể sử dụng máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) A-50 tiên tiến. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga còn được tích hợp các khí tài từ thời Liên Xô và hiện cũng được quân đội Syria sử dụng.
Hải quân
Nga hiện có khoảng 10-15 tàu chiến và các tàu hỗ trợ được triển khai tại Địa Trung Hải, bao gồm các tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen được trang bị các tên lửa hành trình, cùng các tàu ngầm. Các hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy phần lớn tàu chiến Nga đã rời cảng Tartus. Nhật báo Kommersant của Nga nói rằng các tàu này có thể tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật gần khu vực bờ biển của Syria nhằm mục đích phô diễn sức mạnh. Ngoài ra, Nga được cho là cũng triển khai máy bay săn ngầm Il-38N tới khu vực.
Không quân
Nga ước tính có khoảng vài chục máy bay và trực thăng tại căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia, bao gồm các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay đa nhiệm. Ngoài Hmeymim, Nga cũng sử dụng một căn cứ khác tại Syria để triển khai các máy bay trực thăng chiến đấu. Bên cạnh đó, Moscow cũng có thể huy động các máy bay ném bom chiến lược tầm xa uy lực từ Nga để tiến hành các cuộc tấn công bằng bom.
Thành Đạt
Theo RT