Rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, ông Trump “nắn gân” Trung Quốc
(Dân trí) - Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân kéo dài hàng chục năm với Nga được cho là không nhắm vào Moscow mà hướng mục tiêu tới Trung Quốc dù Bắc Kinh không phải là một bên tham gia vào thỏa thuận này.
Tổng thống Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một thỏa thuận ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh với Nga, vì cho rằng Moscow đã “vi phạm” hiệp ước này suốt nhiều năm. INF cấm Nga và Mỹ phát triển hoặc triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, kể cả là tên lửa mang đầu đạn thông thường hay tên lửa hạt nhân, với tầm bắn từ 500-5.500km.
“Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm một thỏa thuận hạt nhân, sau đó bước ra ngoài và chế tạo những vũ khí mà chúng tôi không được phép chế tạo”, ông Trump tuyên bố.
Nga bị nghi ngờ bắt đầu tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa hành trình nằm trong diện bị cấm từ đầu năm 2008 và đây là cái cớ để Mỹ cáo buộc Moscow liên tiếp vi phạm hiệp ước INF. Mặc dù vậy, mục đích thực sự của Washington khi rút khỏi INF không thực sự nhằm vào Nga, thậm chí cũng không nhắm tới vũ khí hạt nhân.
Theo National Interest, trong kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược, động thái của chính quyền Trump tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không bị ràng buộc bởi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã chế tạo và triển khai kho tên lửa hiện đại và phức tạp, đủ khả năng đe dọa các mục tiêu quân sự của Mỹ và các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các tàu sân bay và căn cứ không quân.
Trung Quốc không phải là một bên ký hiệp ước INF, do vậy Bắc Kinh có thể “rảnh tay” phát triển kho vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) khổng lồ, bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm hay còn gọi là sát thủ tàu sân bay DF-21 với tầm bắn lên tới 1.500km. Những vũ khí này đều nằm trong danh sách mà Mỹ bị cấm triển khai.
Điều này khiến Mỹ dường như bị gạt ra ngoài lề trong “cuộc đua về tầm bắn” giữa các hệ thống vũ khí quân sự được thiết kế để bảo vệ các vùng biển và vùng trời tại Tây Thái Bình Dương - nơi chứng kiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước.
Nếu xảy ra xung đột công nghệ cao, các tàu của Hải quân Mỹ sẽ gặp bất lợi khi chỉ có thể trông cậy vào các hệ thống vũ khí phóng từ biển cũ hơn như tên lửa Tomahawk và lực lượng không quân triển khai từ tàu sân bay để đối phó với các vũ khí A2/AD có khả năng sát thương cao được Trung Quốc “giấu” bên trong đất liền.
“Trong bất kỳ cuộc chiến trên không nào, chúng ta (Mỹ) có thể làm tốt trong một vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó chúng ta buộc phải chuyển tất cả lực lượng về Nhật Bản và không thể tiến hành đủ các cuộc xuất kích để tấn công sâu vào lãnh thổ Trung Quốc”, Christopher Johnson, cựu chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
Trong trường hợp Mỹ không đủ khả năng tấn công các hệ thống vũ khí chống hạm đặt trong lãnh thổ Trung Quốc, các tàu sân bay của Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
Viễn cảnh có lợi cho Mỹ
Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. (Ảnh: US Navy)
Các chuyên gia cho rằng việc rút khỏi hiệp ước INF sẽ cho phép Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất tại châu Á để đối phó với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp Mỹ có thêm có phương án quân sự khả thi trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể triển khai các hệ thống vũ khí mới, có thể bắt đầu từ phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất, sau đó là các tên lửa đạn đạo như DF-21 và DF-26, tới các khu vực khó có thể bị tấn công như bắc Nhật Bản, đảo Guam, nam Philippines hoặc thậm chí bắc Australia.
Những vũ khí trên có tiềm năng trở thành nền tảng trong chiến lược quân sự mới của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Mỹ có thể sử dụng các hệ thống A2/AD để phong tỏa các vùng biển gần Trung Quốc, từ đó ngăn chặn và kiềm tỏa các động thái bành trướng quân sự của Bắc Kinh mà không cần triển khai các tàu Mỹ vào khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, việc triển khai các tên lửa đặt trên mặt đất sẽ giúp Mỹ tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như nhân lực, thay vì trông cậy vào các nhóm tác chiến tàu sân bay như hiện nay.
Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF sẽ có tác động rất lớn tới cân bằng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra xung đột, vì Washington khi đó có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất tại châu Á.
Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi Mỹ và Nga đối thoại nhằm tiếp tục thực thi hiệp ước INF. Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc Washington nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.
“Mỹ hiện có khả năng tấn công các mục tiêu tại Trung Quốc thông qua các cuộc không kích và các hệ thống tên lửa phóng từ biển. Việc triển khai tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất tới những nước như Nhật Bản sẽ bổ sung thêm năng lực của Mỹ trong khu vực và làm xói mòn ưu thế vốn được Trung Quốc gây dựng hàng chục năm nay”, chuyên gia Ni nhận định.
Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết việc triển khai tên lửa sẽ tạo cho Mỹ cú hích cần thiết để thực hiện không chỉ các cuộc tấn công hạt nhân mà còn các chiến dịch quân sự thông thường.
Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu đã quan ngại sâu sắc về viễn cảnh các hệ thống phòng thủ của Mỹ và các đồng minh trong khu vực phối hợp với nhau để ngăn hải quân Trung Quốc triển khai lực lượng tới các vùng biển lân cận. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF có thể khơi mào một cuộc chạy đua tên lửa, thậm chí chính trị gia Nga Aleksey Pushkov tuyên bố động thái này của Washington là đòn giáng mạnh mẽ vào hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.
Thành Đạt
Theo SCMP, National Interest