1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev nói về quyết định rút khỏi hiệp ước hạt nhân của Mỹ

(Dân trí) - Cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev, người đã đặt bút ký vào Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hơn 30 năm trước, nhận định rằng quyết định rút Mỹ khỏi INF của Tổng thống Donald Trump là một “sai lầm” và là quyết định chưa được cân nhắc thấu đáo.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbache (ngồi bên trái) ký Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987 (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbache (ngồi bên trái) ký Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump ngày 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga vì cho rằng Moscow đã vi phạm thỏa thuận này. Nhận định về bước đi của ông Trump, cựu Tổng thống Gorbachev, một trong những “cha đẻ” của INF cho rằng: “Hành động phá vỡ các hiệp ước lâu năm về giải trừ vũ khí là không thể chấp nhận được”.

Ông Gorbarchev cho biết: “Không quá khó hiểu nếu coi hành động đó thể hiện sự thiếu cân nhắc thấu đáo”. Cựu lãnh đạo Liên Xô đánh giá động thái của ông Trump là “sai lầm và đã gạt bỏ toàn bộ những nỗ lực của các lãnh đạo Liên Xô và chính Mỹ nhằm đạt đươc mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Một số quan chức Nga cũng có những nhận định tương tự như ông Gorbarchev. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cánh báo rằng quyết định của Mỹ sẽ mang đến sự rối loạn về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng hiện giờ các đồng minh Phương Tây của Mỹ sẽ đối mặt với 2 lựa chọn hoặc ủng hộ Mỹ, động thái có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh mới, hoặc đoàn kết lại để phản đối quyết định của ông Trump ít nhất vì “bản năng tự bảo vệ chính mình”.

Đức, đồng minh thân thiết của Mỹ cũng đã lên tiếng về những hậu quả có thể gặp phải khi Mỹ rút khỏi INF. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng Berlin biết được “những cáo buộc về việc Nga vi phạm thỏa thuận”, song thúc giục Mỹ cân nhắc về hậu quả do INF “đã là một trụ cột quan trọng trong nền an ninh châu Âu trong 30 năm qua”.

Quyết định của ông Trump cũng nhận được ý kiến trái chiều từ lưỡng đảng Mỹ. Thượng nghi sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ có thể gây áp lực buộc Nga phải quay lại bàn đàm phán, viện dẫn việc Mỹ thành công trong việc chỉnh sửa thỏa thuận NAFTA với Canada và Mexico nhờ Washington cảnh báo rút khỏi thỏa thuận trước đó. Trong khi đó Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Menendez cho rằng việc ông Trump rút ra khỏi một thỏa thuận khi chưa có chiến lược cụ thể, cũng như chưa tham vấn ý kiến quốc hội hoặc các đồng minh là hành động gây đe dọa tới lợi ích quốc gia dài lâu của Mỹ.

Trong khi đó, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc vi phạm INF từ phía ông Trump, yêu cầu Tổng thống Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể, đồng thời cáo buộc ngược lại Mỹ vi phạm INF.

Đức Hoàng

Tổng hợp