1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý do ông Trump muốn chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Nga

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump được cho là có những suy tính nhất định khi quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân kéo dài hơn 30 năm với Nga, trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều diễn biến căng thẳng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump ngày 20/10 nói rằng ông có ý định rút Mỹ khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Nhà lãnh đạo Mỹ viện dẫn việc Nga vi phạm hiệp ước cũng như kho tên lửa của Trung Quốc là lý do khiến ông quyết định chấm dứt vai trò của Mỹ trong khuôn khổ INF.

“Nga đã vi phạm thỏa thuận. Họ đã vi phạm suốt nhiều năm qua. Chúng tôi là nước đã tôn trọng thỏa thuận nhưng rất tiếc Nga thì không. Vì thế chúng tôi sẽ kết thúc thỏa thuận”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ rời khỏi bang Nevada sau sự kiện gặp mặt những người ủng hộ.

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, chính tâm lý “bài xích” các thỏa thuận quốc tế của chính quyền Trump kết hợp cùng lập trường của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton là động cơ phía sau dẫn đến quyết định của Tổng thống Trump khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga. Quyết định này đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích, đặc biệt từ phía Nga.

Được ký từ năm 1987 giữa cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, hiệp ước INF được xem là cột mốc quan trọng trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này đã góp phần cắt giảm hàng nghìn tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 - 5.500km.

CNN đã phân tích một số yếu tố dẫn tới quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump.

Nga

Tên lửa hành trình 9M728 (trái) và tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9M723 (phải) của Nga. (Ảnh: Stripes)
Tên lửa hành trình 9M728 (trái) và tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9M723 (phải) của Nga. (Ảnh: Stripes)

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm INF thông qua việc triển phát triển hệ thống tên lửa 9M729 - biến thể mặt đất của tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK mà giới chức Mỹ cho rằng có thể vượt qua các lá chắn phòng thủ của Mỹ và châu Âu. Các quan chức Mỹ và NATO nhiều lần chỉ trích Nga vì động thái này.

Việc rút Mỹ khỏi INF sẽ cho phép Washington có thể phát triển tên lửa tương tự của riêng mình. Theo New York Times, nếu Mỹ thực sự rút khỏi INF, nước này có thể sẽ triển khai phiên bản đã được điều chỉnh của tên lửa hành trình Tomahawk để phóng chúng từ mặt đất. Trước đây Mỹ từng trang bị tên lửa Tomahawk gắn đầu đạn thông thường lên các tàu nổi và tàu ngầm, còn bây giờ Washington có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang. Trong khi đó một số khác nhận định sự rút lui của Mỹ sẽ “có lợi” cho Nga vì Moscow có thể lấy cớ này để đổ lỗi cho Mỹ vì đã phá vỡ hiệp ước.

“Các quan chức Nga có lẽ đang ăn mừng vì tin này. Mỹ sẽ bị quy trách nhiệm vì phá vỡ hiệp ước”, Steven Pifer, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời là chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings, nhận định.

Quá trình phát triển tên lửa hành trình mới của Nga đã tương đối hoàn thiện, điều này đồng nghĩa với việc Moscow có thể bắt đầu triển khai rộng rãi tên lửa này sau khi hiệp ước với Mỹ kết thúc.

“Nga sẽ tự do triển khai tên lửa 9M729 và một tên lửa đạn đạo tầm trung nếu nước này muốn mà không vấp phải rào cản nào. Mỹ hiện không có bất kỳ tên lửa nào có thể triển khai nhanh chóng để đối phó tương xứng với Nga”, chuyên gia Pifer cho biết thêm.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu và phát triển dành cho tên lửa tầm trung, song việc triển khai tên lửa này vẫn cần có thêm thời gian.

Trung Quốc

Kể từ năm 1987, quân đội Trung Quốc đã trải qua quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ khi đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các vũ khí mới.

Một lĩnh vực Trung Quốc đầu tư mạnh tay nhất là phát triển tên lửa. Các lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ từng nói nếu Trung Quốc là một bên tham gia hiệp ước INF, khoảng 95% trong số gần 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình của Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận này. Một số tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000km, tức là có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Là một trong số những người chỉ trích hiệp ước INF, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho rằng Trung Quốc là một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ cân nhắc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga.

“Trung Quốc đang tích trữ tên lửa vì họ không bị ràng buộc bởi hiệp ước. Tôi từ lâu đã kêu gọi Mỹ cân nhắc xem liệu hiệp ước này có phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta hay không”, Thượng nghị sĩ Cotton cho biết.

Theo cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, mặc dù kho tên lửa của Trung Quốc là mối quan ngại với Mỹ, song Washington vẫn có thể đối phó với Bắc Kinh bằng cách dựa vào lợi thế từ các tên lửa hành trình triển khai trên biển - một khía cạnh không bị kiểm soát bởi hiệp ước INF.

Cố vấn Bolton đứng sau?

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton (Ảnh: Hill)
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton (Ảnh: Hill)

Một số nhà phân tích đã chú ý tới bài viết của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hồi năm 2011, trước khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF được công bố. Trong bài viết này, ông Bolton cho rằng Mỹ nên rút khỏi INF, viện dẫn lý do là các chương trình tên lửa của Iran.

Ông Bolton nói rằng các bài phân tích ông từng viết chưa chắc đã thể hiện các chính sách mà ông theo đuổi khi làm việc cho chính quyền Mỹ. Tuy nhiên kể từ khi làm việc cho chính quyền Trump trong vai trò cố vấn an ninh, ông Bolton thường xuyên chỉ trích hiệp ước với Nga mà ông cho là xâm phạm chủ quyền của Mỹ.

“Tôi nghĩ ông Bolton nhiều khả năng đứng sau quyết định (rút Mỹ khỏi INF). Điều này rất phù hợp với tâm lý không ưa các thỏa thuận đa phương của ông Bolton, đặc biệt là những thỏa thuận mà ông ấy cho rằng sẽ cản trở Mỹ tự do hành động. Ông ấy đang bắt đầu xây dựng nền tảng của mình tại Hội đồng An ninh Quốc gia và đang ghi dấu ấn của ông ấy”, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định.

Cũng theo ông Kirby, một chi tiết đáng quan tâm là cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF sau thông báo của Tổng thống Trump cách đây 2 ngày. Trong khi đó, ông Bolton dự kiến sẽ thảo luận về hiệp ước này với các quan chức Nga trong chuyến đi của ông tới Moscow trong tuần này.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm