1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chiếc van" hạt nhân không còn, cuộc đua Mỹ - Nga tái hiện

Viễn cảnh một cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm giữa Mỹ và Nga đang tái hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga.


Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Ba Lan và Rumania

Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Ba Lan và Rumania

Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Ba Lan và Rumania

Tuyên bố trước báo giới trong một cuộc vận động cử tri tại bang Nevada ngày 20-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ phát triển các vũ khí hạt nhân, trừ khi cả Nga lẫn Trung Quốc đồng ý ký kết một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân mới. Ông Trump đổ lỗi cho Nga vi phạm thỏa thuận và ngạc nhiên khi người tiền nhiệm ông là Tổng thống Barack Obama không đàm phán lại hoặc rút khỏi thỏa thuận INF.

Được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung quy định loại bỏ các tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. INF có thể coi như chiếc van điều tiết kho vũ khí hạt nhân tầm trung của hai bên, giúp loại bỏ nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô ở châu Âu.

Trong khi Mỹ tiêu hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung Pershing cũng như tổ hợp tên lửa Tomahawk mặt đất BGM-109G, thì Liên Xô cũng thủ tiêu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RSD-10 Pioneer, tên lửa đạn đạo chiến thuật Temp-S và R-12 Dvina. Thậm chí Liên Xô còn tình nguyện tiêu hủy tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-23 Oka dù tầm hoạt động của tên lửa này chưa tới 400km.

Theo kết quả của Hiệp ước INF, Mỹ và Liên Xô lúc bấy giờ đã tiêu hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn, tầm trung và trên trung bình theo thời hạn chót được quy định trong Hiệp ước là ngày 1-6-1991. Đó là một trong những bước tiến lịch sử giúp ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trong thời Chiến tranh Lạnh, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Mỹ và Nga liên tục cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF. Nga cho rằng việc Mỹ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai ở châu Âu hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore và bệ phóng đa nhiệm Mk-41 để khai hỏa tên lửa hành trình tầm trung là hoạt động vi phạm trực tiếp Hiệp ước INF, đe dọa an ninh của Nga.

Về phía Mỹ, Washington cáo buộc Matxcơva vi phạm Hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình Novator 9M729. Đây là phiên bản mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK. Novator 9M729 có tầm bắn hơn 5.000km và đặc biệt là có khả năng xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường tối tân. Ở pha cuối, đầu tự dẫn radar chủ động sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và điều khiển tên lửa tấn công mục tiêu với đầu đạn nặng 450kg.

Phe “diều hâu” tại Washington còn khuyến khích rút khỏi Hiệp ước INF vì INF khiến Mỹ thất thế trong đối đầu chiến lược với Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ chưa có biện pháp đáp trả tương xứng với các tên lửa hạt nhân tầm gần của Trung Quốc, loại vũ khí hiện đang đe dọa căn cứ quân sự, tàu thuyền và đồng minh của Mỹ tại khu vực.

Nếu như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp ước INF trở thành hiện thực thì đây sẽ là cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1980. Cùng với việc Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạt vào năm 2021, lần đầu tiên kể từ năm 1972, các cường quốc hạt nhân sẽ không còn chịu sự ràng buộc giới hạn nào.

Tuy vậy, một cuộc chiến tranh hạt nhân thì sẽ khó có thể xảy ra. Dù đối đầu căng thẳng nhưng cả Mỹ và Nga đều hiểu rằng, không ai giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô