Quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền phá thai vào hiến pháp
(Dân trí) - Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền được phá thai trở thành một trong những quyền cơ bản trong hiến pháp.
Pháp ngày 4/3 đã đưa quyền phá thai vào hiến pháp, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm việc này. Động thái trên đã được các nhóm bảo vệ nữ quyền hoan nghênh như một "bước đi lịch sử", đồng thời cũng bị các nhóm chống phá thai chỉ trích gay gắt.
Các nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu thông qua với số phiếu áp đảo 780 thuận, 72 chống, trong một cuộc bỏ phiếu chung đặc biệt của lưỡng viện.
Các nhà hoạt động vì quyền phá thai tập trung tại trung tâm Paris đã cổ vũ và vỗ tay khi Tháp Eiffel hiển thị khẩu hiệu "#MyBodyMyChoice" (Cơ thể của tôi, quyền của tôi) khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố trên một màn hình lớn.
Quyền phá thai được chấp nhận rộng rãi ở Pháp hơn so với ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, với các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 80% người dân Pháp ủng hộ thực tế rằng phá thai là hợp pháp.
Thủ tướng Gabriel Attal nói với các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu: "Chúng tôi đang gửi một thông điệp tới tất cả phụ nữ rằng cơ thể của bạn thuộc về bạn và không ai có thể quyết định thay bạn".
Phụ nữ có quyền phá thai hợp pháp ở Pháp kể từ đạo luật năm 1974, văn bản mà nhiều người chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, vào năm 2022, Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra một phán quyết mang tính lịch sử khi lật ngược quyết định được đưa ra trong vụ Roe kiện Wade (Roe v. Wade) năm 1973, qua đó kết thúc quyền được phá thai theo hiến pháp.
Điều này đã thúc đẩy các nhà hoạt động Pháp kêu gọi đưa quyền phá thai trở thành quyền cơ bản trong hiến pháp. Diễn biến này cũng đối mặt với những ý kiến trái chiều.
Pascale Moriniere, chủ tịch Hiệp hội các Gia đình Công giáo, gọi đây là một thất bại đối với các nhà vận động chống phá thai.
"Đó cũng là một thất bại đối với phụ nữ và tất nhiên, đối với tất cả những đứa trẻ không thể ra đời", bà nhấn mạnh.