Quan hệ thương mại Trung - Mỹ: Tiến thoái lưỡng nan
(Dân trí) - Các cuộc đàm phán cấp cao về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ tuần qua không những không giúp giảm bớt bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế, mà còn có nguy cơ nảy sinh thêm căng thẳng.
Giới phân tích cho rằng quan hệ Trung-Mỹ bình thường vốn đã không mấy tốt đẹp đang có nguy cơ rơi vào một giai đoạn "sóng gió" mới, khi các nghị sĩ hiếu chiến của Mỹ dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh, điều sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc nổi giận.
Mỹ quyết không nói suông
Vòng đàm phán tại Washington vừa qua đã không thể giải quyết bất đồng lớn nhất giữa hai nước, là việc đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc bị định giá thấp. Việc này làm tăng nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa một quốc gia giàu nhất và quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Chính quyền của Tổng thống George W. Bush dường như đang theo đuổi một quan điểm thương mại cứng rắn hơn, quốc hội Mỹ đang xem xét thông qua, chứ không chỉ là đề xuất, các dự luật bất lợi choTrung Quốc.
Alec Phillips, nhà phân tích của Goldman Sachs, cảnh báo: "Trước đây các tuyên bố hùng hồn của Mỹ về bảo hộ đã kết thúc mà không có hành động cụ thể, nhưng lần này nguy cơ về một hành động cụ thể cao hơn nhiều". Ông cho biết tâm lý bảo hộ tại Washington đang tăng lên cho dù tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát của Mỹ đang ở mức thấp và giá chứng khoán đang cao kỷ lục - những nhân tố thường làm dịu bớt một tâm lý như vậy.
Theo ông Phillips, điều này có thể dẫn tới 2 nguy cơ. Thứ nhất, Quốc hội Mỹ, nơi ngày càng có thái độ thù địch đối với các vấn đề thương mại, có thể thông qua một số chính sách làm xấu thêm mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Thứ hai, thị trường lao động diễn biến theo chiều hướng xấu hơn có thể làm gia tăng căng thẳng, vượt xa mức độ vốn đã không mấy dễ chịu hiện nay.
Các nghị sĩ Mỹ vẫn cho rằng nhờ đồng NDT được định giá thấp mà hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ rẻ hơn và khiến cho nước này thâm hụt thương mại 232,5 tỷ USD với Trung Quốc vào năm ngoái. Nghị sĩ Mỹ đang muốn trừng phạt Bắc Kinh, theo đó có khả năng áp đặt mức thuế trừng phạt 20% đối với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc.
Chuyên gia chiến lược của Bank of America, Joseph Quinlan, cảnh báo rằng các dự luật chống Trung Quốc đang được soạn thảo tại quốc hội Mỹ "có thể làm gián đoạn thương mại song phương, và quan trọng hơn nó làm gián đoạn dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Mỹ". Ông cho rằng Trung Quốc là "mỏ tiền của Mỹ" vì nước này có tiền "cho một quốc gia không muốn tiết kiệm, thích chi tiêu và cần tiền của các nước khác. Diễn biến này còn đáng lo ngại hơn nếu Mỹ quyết định "cứng rắn" với Trung Quốc về thương mại vào đúng thời điểm sự phụ thuộc về tài chính của Mỹ vào nước này chưa bao giờ lớn đến vậy".
2/3 trong số 1,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là bằng đồng USD, trong đó có 420 tỷ trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ.
Trung Quốc quyết không nhượng bộ
Bà Nicholas Lardy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Peterson chuyên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế quốc tế cho biết đúng là Trung Quốc cần phải tăng giá đồng NDT, tuy nhiên Bắc Kinh cũng có cái khó của họ. Theo bà Lardy, Trung Quốc hiện đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Việc định giá lại đồng NDT ở biên độ lớn có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều công ty xuất khẩu, trong khi việc đẩy nhanh quá trình tăng giá đồng tiền này có thể dẫn tới tình trạng đầu cơ quy mô lớn.
Có lẽ vì thế mà Trung Quốc kiên quyết không chịu lùi bước trong cuộc chiến này. Bà Ngô Nghi, Phó Thủ tướng Trung Quốc, nói: "Bất cứ cố gắng nào nhằm gây sức ép để đồng NDT tăng giá sẽ chẳng có ích gì và có thể gây hại cho lợi ích chung của hai nước".
Các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều cần tới nhau. Trung Quốc cần tiếp cận thị trường Mỹ để cỗ máy xuất khẩu của họ không bị ảnh hưởng. Mặc dù có thể mua vợt tennis và giày thể thao của một nước khác, nhưng Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu bị rút nguồn vốn từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng xét trong bối cảnh hiện nay, nếu Mỹ và Trung Quốc không có những nhượng bộ nhất định, chắc chắn hai nước sẽ không thể giải quyết được vấn đề thương mại, và một cuộc chiến thương mại lớn giữa hai nước là điều khó tránh khỏi.
KV