“Doanh nghiệp Mỹ phải tự chịu trách nhiệm”
(Dân trí) - Xoanh quanh vụ việc hãng Fisher-Price phải <a href="http://www.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/8/190496.vip">thu hồi</a> gần 1 triệu bộ đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành cho rằng giới doanh nghiệp Mỹ không nên đổ hết lỗi cho các nhà máy ở nước ngoài mà cần xem lại cơ chế giám sát chất lượng sản phẩm của chính mình.
Một số chuyên gia cho rằng khi ngày càng có nhiều công ty Mỹ thuê các nhà máy ở Trung Quốc gia công sản phẩm thì việc họ “lơ là” công tác kiểm tra giám sát sẽ đẩy người tiêu dùng Mỹ vào nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng.
Không thể phủ nhận việc các vụ thu hồi hàng hóa gần đây tại Mỹ, từ thức ăn vật nuôi, kem đánh răng, lốp ô tô, đến đồ chơi trẻ em, đều liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng nếu quy kết trách nhiệm thì các nhà nhập khẩu Mỹ có lỗi nhiều hơn các nhà cung cấp Trung Quốc, vì đã để những sản phẩm kém an toàn “lọt” vào thị trường Mỹ.
Ông Erin Ennis, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung Quốc, cho biết: “Luật pháp Mỹ quy định rất rõ rằng nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng và độ an toàn của hàng nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc hoàn toàn có thể làm tốt hơn trong việc ngăn chặn các sự việc tương tự”.
Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng trách nhiệm của các công ty Mỹ là phải có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn nữa ở Trung Quốc, và nếu thấy cần, có thể dùng đến biện pháp mạnh là phạt hoặc thậm chí thay nhà cung cấp.
Người phát ngôn của Mattel Inc., công ty mẹ của hãng Fisher-Price, cho biết họ đã ngừng sản xuất tại nhà máy gia công các bộ đồ chơi nói trên ở Trung Quốc. Mattel hiện sở hữu và điều hành 10 nhà máy ở nước ngoài, trong đó có 5 nhà máy ở Trung Quốc - sản xuất hơn một nửa tổng sản phẩm của Mattel, còn lại là ở Mexico, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Hiệp hội ngành đồ chơi Mỹ (TIA) cho biết họ để cho các hãng sản xuất đồ chơi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn an toàn tự nguyện đối với tất cả các sản phẩm.
Trong khi đó, Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) không có thẩm quyền kiểm tra trước khi hàng hóa được đưa ra thị trường.
Mặt khác, do ngân sách hạn chế nên các cơ quan quản lý của chính phủ, như CPSC, cũng không thể áp dụng các cơ chế sát sao nhằm đảm bảo chất lượng của hầu hết các sản phẩm tiêu dùng.
Trước hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến chất lượng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, có một câu hỏi được đặt ra: “Liệu các công ty Mỹ có nghĩ đến việc chuyển địa điểm sản xuất?”
Theo nhà phân tích Sean McGowan của công ty Wedbush Morgan Securities, câu trả lời là “Có”. Ông cho rằng nếu đang phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc thì các công ty cũng nên khai thác thêm một số lựa chọn khác, như Việt Nam và Campuchia.
Ông Ennis, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung Quốc, cũng cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng chính là các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, như Mattel, sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất nếu buông lỏng công tác giám sát hoạt động sản xuất ở nước ngoài, bất kể là nước nào chứ không cứ Trung Quốc.
Đặng Lê
Theo CNNMoney